Wednesday, January 27, 2010

Tài Liệu Việt Cộng Sưu Tầm Trên NET để đối chiếu Sự Thật



Máy bay UH-1 của Mỹ được ta sử dụng như thế nào?

Thứ tư, 04/03/2009 23:37 pm

Những chiếc máy bay UH-1 thu được của Mỹ nguỵ đã được chúng ta khai thác có hiệu quả. Nhà máy A42 được giao nhiệm vụ phục hồi và sửa chữa bảo dưỡng máy bay UH-1 để có thêm trang bị phục vụ công tác và sẵn sàng chiến đấu.
Ông Hồ Duy Hùng, Giám đốc Công ty du lịch Phú Thọ thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, nguyên là tình báo của ta cài trong hàng ngũ địch, là người đã lập chiến công cướp một chiếc máy bay UH-1 đưa ra vùng giải phóng.
Ông Hồ Duy Hùng 57 tuổi, ở Duy Xuyên, Quảng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của ông là Hồ Duy Từ, một trong những người sáng lập ra Chi bộ Đảng ở Duy Xuyên. Sau Mậu Thân 1968, ông được tổ chức cài vào hàng ngũ địch, được chúng tuyển chọn đi học lái máy bay UH-1 ở Mỹ.
Cuối năm 1970, ông được điều về Sư đoàn 2 không quân ngụy ở Nha Trang. Tổ chức vẫn giữ liên lạc, nhận các tài liệu các bản đồ mà ông lấy được chuyển ra vùng giải phóng. Đầu tháng 3/1971, ông bị địch bắt, do bị phát hiện gia đình có quá nhiều người tham gia cách mạng và một tên chiêu hồi, nguyên là tài vụ thị ủy, nhớ nhầm là đã gặp ông trong vùng giải phóng (thực ra tên này đã gặp người anh của ông).


Các phi công UH-1 Đoàn B70 sau chuyến bay.

Ông bị chúng giam 5 tháng, sau đó tước quân tịch và giao cho cảnh sát. Trong những ngày tháng bị cảnh sát giam giữ, chúng đã giải ông qua 7 nhà giam, tìm cách moi móc tin tức và điều tra về ông. Nhưng rồi chúng không tìm được chứng cứ, đành phải thả ông ra. Ông móc nối với cơ sở ta, vào chiến khu tham gia cách mạng.
Cuối năm 1973, tổ chức phân công ông trở lại vùng địch kiểm soát để tìm cách lấy trực thăng UH-1 của địch. Ông đã lên Đà Lạt nắm tình hình, biết bọn lái trực thăng UH-1 hay đỗ xuống bờ hồ Xuân Hương để lên chợ chơi trước khi về Sài Gòn.
Ngày 7/11/1973, một chiếc UH-1 trên đường từ Đắk Nông về Sài Gòn đã đỗ xuống ven hồ Xuân Hương. Tên phi công vừa đi khuất, ông Hồ Duy Hùng đã nhảy ngay lên máy bay, nổ máy, bay thẳng về Bến Cát. Theo kế hoạch, ở vùng giải phóng có chuẩn bị một bãi đỗ trực thăng, nhưng hôm đó thời tiết xấu, về gần đến nơi thì máy bay sắp hết dầu, ông Hùng phải đỗ máy bay xuống Dầu Tiếng, ven bờ hồ, trong rừng cao su.
Ông phải lấy bùn trát lên những chỗ sơn trắng trên thân máy bay, bẻ cành cây để ngụy trang không cho máy bay địch phát hiện. Sau đó, ông băng rừng tìm đơn vị của ta, và gặp một đội vận tải gần đó. Anh em đề nghị ông bay vào bãi trống trước khu đóng quân của đơn vị. May mà đoạn đường gần, ông đưa được máy bay về đúng yêu cầu. Anh em kéo máy bay vào rừng, ngụy trang chu đáo.
Mấy hôm sau, Bộ chỉ huy miền yêu cầu ông Hùng đưa máy bay về khu Lộc Ninh.
Đầu năm 1974, theo lệnh trên, chiếc máy bay UH-1 được tháo rời, đưa ra sân bay Hòa Lạc. Ông Nguyễn Tường Long và nhóm kỹ sư đã lắp lại máy bay. Ông Hồ Duy Hùng được trên phân công làm giáo viên huấn luyện cho một số phi công trực thăng. Đây là chiếc máy bay UH-1 đầu tiên của Mỹ còn nguyên vẹn được anh em kỹ thuật hàng không nghiên cứu sử dụng.

Sử dụng UH-1 làm nhiệm vụ

Ngày 21/5/1975, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn không quân C17, đóng trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, sử dụng máy bay thu được của địch cùng với đơn vị bạn bảo vệ vùng trời, vùng biển phía Nam Tổ quốc.
Ngay sau khi được thành lập, Trung đoàn đã tiếp quản, thu hồi các máy bay UH-1 của địch, nhanh chóng tổ chức huấn luyện sử dụng. Các giáo viên bay UH-1 đầu tiên là các ông Hồ Duy Hùng, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Hữu Nhậm, Nguyễn Đình Khoa. Ngày 5/6/1975, máy bay trực thăng vũ trang UH-1 bắt đầu tham gia chiến dịch giải phóng các đảo trên vùng biển Tây Nam, đánh vào các điểm cố thủ trên đảo Hòn Ông và đảo Hòn Bà.
Máy bay UH-1 đã xuất kích 30 chuyến, góp phần không nhỏ trong việc tiêu diệt các ổ đề kháng và bắn chìm 7 tàu địch.
Từ ngày 17/9/1975, Trung đoàn không quân C17 hiệp đồng với lực lượng vũ trang Quân khu V truy quét Fulro ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk, khu vực thị xã Buôn Ma Thuột.
Giữa năm 1977, tình hình biên giới Tây diễn biến phức tạp, bọn diệt chủng Pôn Pốt cho quân khiêu khích và lấn chiếm biên giới nước ta từ Tây Nguyên đến Hà Tiên. Các máy bay UH-1 lại tiếp tục nhận nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho bộ binh đánh vào phòng tuyến của địch.
Ông Hồ Duy Hùng kể lại, những chiếc máy bay UH-1 lúc đó rất lợi hại, trên máy bay, phi công và xạ thủ được mặc áo giáp chống đạn, đội mũ sắt khá dày, đạn súng trường bắn trúng không xuyên qua được. Phi công lại được ngồi trên ghế sắt có thành cao bao bọc xung quanh.
Máy bay UH-1 bay là là cách mặt đất chưa đến 10 mét, trên máy bay có 2 khẩu súng Miligân 6 nòng (7,62mm) với 12.000 viên đạn, hai bên cánh treo 14 quả rốckét. Từ máy bay, các xạ thủ "khạc" lửa vào quân địch, chúng chịu không nổi bỏ chạy như vịt, Bộ binh ta ào ạt xông lên tấn công.
Có nhiều trận đánh, địch bắn trả quyết liệt, máy bay của ông có lần trúng 12 viên đạn trên thân nhưng vẫn bay về được sân bay vì đạn không trúng chỗ hiểm. Ông Hùng cho biết, thùng xăng UH-1 có lớp cao su dày, nên khi đạn bắn trúng, thì nó tự bịt lại, không cho xăng chảy ra ngoài.
Bảo quản trực thăng UH-1.
Có lần chiếc UH-1 do phi công Nguyễn Đình Khoa lái (sau này anh được tuyên dương Anh hùng LLVTND), bị địch bắn đứt đường dầu đỏ ở bộ phận điều khiển nhưng anh vẫn hạ cánh xuống cánh đồng chờ đồng đội đến thay đường dẫn dầu khác, sau đó bay về căn cứ an toàn. Máy bay do phi công Mai Chí Lưu lái cũng bị địch bắn gãy cả điều khiển đuôi vẫn về được sân bay...
Từ năm 1977 - 1986, máy bay UH-1 của Trung đoàn C17 đã cất cánh hàng ngàn lần. Máy bay trực thăng UH-1 còn góp phần không nhỏ trong việc vận chuyển thương binh, vũ khí trang bị, thuốc men cho chiến trường... Phân xưởng sửa chữa máy bay lên thẳng Nhà máy A42 là nơi tổ chức phục hồi, sửa chữa trực thăng UH-1 cho Trung đoàn. Đây cũng là phân xưởng duy nhất của nhà máy được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.


Khôi phục, bảo quản UH-1

Tháng 10/1992, Nhà máy A42 tiến hành phục hồi sửa chữa hai máy bay trực thăng UH-1 số 790, 796, giao cho Trung đoàn C17 khai thác sử dụng, còn số máy bay UH-1 khác được cán bộ, công nhân viên Nhà máy A42 bảo quản, bảo dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật hàng không. Hai máy bay này được sử dụng chủ yếu phục vụ làm phim.
Tuy chưa đủ năng lực và kinh phí để đầu tư khôi phục những chiếc UH-1, nhưng lãnh đạo Nhà máy A42 vẫn tính đến khả năng một ngày sẽ sử dụng lại máy bay này, nên các anh đã phân loại máy bay, phụ tùng vật tư của UH-1 để bảo quản, niêm cất. Đặc biệt, các hệ thống thiết bị hàng không, các tài liệu phục vụ cho quy trình đại tu máy bay UH-1, được bảo quản nghiêm ngặt.
Nguyên Giám đốc Nhà máy A42 Lê Văn Bạo cho biết, năm 1995, trong dịp vào dự lễ kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà đã nghe nhà máy thuyết trình phương án “khôi phục trực thăng UH-1". Đồng chí Bộ trưởng sau đó đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giao cho Nhà máy A42 khôi phục đợt đầu tiên 12 chiếc máy bay UH-1.
Các máy bay UH-1 đã có tuổi hàng chục năm, nhiều vật tư, phụ tùng đã hết niên hạn sử dụng, trình độ chuyên môn của anh em về lĩnh vực này còn hạn chế, nhưng lãnh đạo và các cán bộ kỹ thuật của nhà máy đã thể hiện quyết tâm rất cao bằng việc nghiên cứu, biên soạn tài liệu, xây dựng quy trình công nghệ đại tu máy bay UH-1, đại tu lại các chi tiết phụ tùng UH-1 theo đúng quy trình.
Nhà máy còn cử cán bộ ra nước ngoài tìm mua vật tư, phụ tùng mà ta không có. Rất may, lúc này máy bay UH-1 đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng vào mục đích dân sự nên việc mua vật tư dễ dàng hơn. Công việc khôi phục, bảo quản máy bay UH-1 đạt kết quả tốt
Theo CAND

5 comments: