Monday, July 8, 2024

Xạ Thủ Phi Hành

Cứ mỗi lần nghe nói hồi trước tôi ở binh chủng Không Quân là thiên hạ -nhất là mấy bà mấy cô- hỏi liền rằng hồi trước anh lái máy bay gì??
Cũng không trách họ được, bởi vì trông tôi cao ráo đẹp trai quá xá, hiện đang là một kỹ sư, chủ một hãng khá lớn, lái xe Lexus mới toanh, tiêu tiền như nước v v… thì đâu có ai ngờ rằng ngày xưa tôi chỉ là một thằng lính quèn!
Đọc tới đây chắc có người bỉu môi ra mà nói:
-Thằng cha này “nổ” quá xá!
Hề hề, cũng phải cho tôi nổ tí chứ!
Bởi vì ngày còn đi lính tôi chuyên trị đại liên M60 rồi khi chuyển qua Trực Thăng Gunship tôi lại ôm cây minigun 6 nòng, bắn kêu ò ò như bò rống, khiến địch quân kinh hồn bạt vía, nên bây giờ phải nổ một chút xíu cho vui đời, yêu người vậy mà.
Quái đản một điều là sao thiên hạ lại có quá nhiều người cứ tưởng ai đi Không Quân cũng đều là Pilot hết, trong khi thực tế để đem một ông Pilot “lên giời” thì cả hơn chục thằng “vô danh tiểu tốt” khác phải ngày đêm làm việc hùng hục như trâu, trắng dờ con mắt.
Nguyên do là các đấng Pilot thường cao lớn, mặc đồ bay vô coi oai hùng, các em nhìn thấy là nuốt nước miếng ừng ực rồi; Các bố ấy và các văn sĩ nửa mùa lại thường viết bài, viết truyện ca tụng cuộc đời mấy ổng quá chời quá đất, nào là hào hoa phong nhĩ (Phi công ra đi … gái theo ngập đường!); nào là anh dũng lệch người (Đi không ai tìm xác rơi), còn các ngành khác chẳng mấy khi có ai nói đến.
Nhớ từ ngày tôi đọc báo Lý Tưởng đến nay, chỉ thấy có Pilot Ke Phương Toàn lái máy bay trực thăng thấy muốn té đái trong quần; anh Bé viết về ngành Kỹ Thuật sửa chữa phi cơ nắng nôi vất vả; ông Th/s Thông viết chuyện Cơ Phi rớt ở Hạ Lào gần chết, còn cái ngành Xạ Thủ của tôi thì chỉ nghe đến cái tên là người ta đã ớn xương sống, nói gì viết ra nghề mình để người ta đọc.
Cũng chính vì cái vụ này mà hồi đó tôi có quen một em mà rồi sau không thành, khi ông già em biết cái chỉ số Xạ Thủ của tôi.
Khi bị bắt buộc chia tay em rồi, tôi chửi đổng:
- Me, đi lính mà không làm xạ thủ bắn ngay địch quân thì còn ra cái thể thống gì, bộ thằng Pilot nó bỏ bom không chảy máu hay sao. Me, ổng làm như tui là Xạ thủ đại liên thì chưa kịp bắn, chỉ cần đến gần là con gái ổng có bầu liền hay sao.
Thôi chuyện lâu rồi bây giờ tôi cũng không tức mà làm gì cho nó nhẹ thể và lên tăng xông, vì cũng may là con gái ổng không lấy tôi, chứ nếu mà … thì cuộc đời cổ cũng không khá, tôi sẽ bóp .. như bóp cò mini gun 4000viên/1phút thì cổ sẽ đẻ sòn sòn năm một.
Tôi gia nhập Không Quân sau hơn một năm đi lính Bộ Binh.
Một năm ca bài “Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm, sương trắng rơi đôi vai ướt lạnh mềm ..” thì tôi lên Binh Nhất. Lúc Không Quân qua tuyển mộ những thằng vác súng đại liên M60 là tôi xung phong đi liền. Vác cây súng kềnh càng nặng nề, với băng đạn dài quấn quanh người, ba lô, cơm sấy, băng rừng lội ruộng còn không ngán, mà bây giờ được ngồi trên máy bay bắn xuống thì nhàn nhã biết chừng nào, phải nạp đơn gấp gấp.
Tôi về Tân Sơn Nhất vô khám ở khối Y Khoa Phi Hành.
Nhiều kẻ ứng thí rớt lộp độp nhưng tôi cái gì cũng tốt: Tim đập rất tốt, tăng xông vừa phải cho dù mới làm 20 cái nhảy xổm xong, tai thính như tai chó, mắt sáng hơn sao chỉ nhìn sơ con ruồi là biết con đực con cái, chỉ liếc thoáng qua là biết đứa con gái nào vú nở đít cong.
Nhưng khi bị chuổng cời ra cho ông bác sĩ Dụ khám tổng quát thì có vấn đề.
Anh TSI Hiếu bỏ cái thước đo chiều cao lên đầu tôi rồi anh phán:
- Thiếu thước tấc!
Tôi đành tôn anh ta lên:
- Thưa Thượng Sĩ! Lái máy bay kìa thì lùn chút đỉnh không được vì không đạp tới pê-đan, chứ cái thứ Xạ thủ đại liên trên máy bay trực thăng, nếu ngồi bắn không được, thì tui lom khom hay đứng cũng với tới cò súng được chớ có sao đâu.
Nhờ câu nói nịnh tăng anh ta lên một cấp, mà anh đã tăng lên cho tôi thêm vài xăng ti mét, để khỏi mang tiếng là Thằng Lùn Mã Tử, thế là tôi vào lính Không Quân.
(Lúc nãy tôi nổ là cao lớn đẹp trai chơi mà thôi, chứ người tôi tròn vo, mặc áo bay vào trông rất giống củ khoai!)
Tuy vậy cũng không phải là dễ ngon ăn đâu nghen, khám đằng trước coi hai hòn có cân nhau không, rồi họ cũng bắt chổng đít ra mà khám, tụi nó kháo nhau rằng khám coi có lông đít hay không, nhưng tôi nghĩ là họ khám bịnh trĩ.
Mấy tờ báo lớn ở Sài Gòn thường có câu quảng cáo “Ai đau khổ vì bịnh trĩ” ai mà không biết, người nào bị bịnh này thì đi ỉa cũng còn khó chứ nói gì đến việc trọng đại là đi lính Không Quân.
Tôi được xếp theo học khoá II Vũ Khí Phi Hành ở mãi tận Nha Trang.
Mới từ chiếc C119 thủng đít bước xuống là cả chục ông cán bộ của TTHLKQ ùa ra hò hét, họ cứ tưởng tụi tôi là lính mới nên hù doạ đủ điều. Nhưng thực sự mấy anh chàng này là khoá sinh của Khoá II HSQ Truyền Tin, tính ra khi chúng tôi vào lính thì mấy thằng này còn học đệ tứ hay đệ tam là cùng. Họ cũng áp dụng hình phạt chúng tôi như mấy khoá Cơ Phi, nhưng khi nghe thằng trưởng khoá xưng danh là HSI Nguyễn Nén là dần dần họ lảng ra (Thực ra khi vô quân trường phải báo cáo là Khoá Sinh, nhưng thằng Nén chơi nổi, cứ xưng cấp bực cho bọn kia nể vậy mà, đi lính tác chiến lên đến Hạ Sĩ Nhứt mà còn sống thì đừng đụng tới nó mà có ngày mang khốn).
Thế là chúng tôi tương đối thoải mái, không bị hành hạ nữa, hằng ngày cắp sách đến Trường Kỹ Thuật học về Vũ Khí.
Tôi cũng không biết tại sao lại bắt chúng tôi học vềcây súng M60 làm gì nữa, vì đã từng ôm ấp em cả năm, tháo ra chùi rửa hàng mấy trăm lần, thì học về nó làm chi, trong bóng đêm hay nhắm mắt tôi cũng có thể tháo em ra từng mảnh rồi ráp lại trong vòng ít phút.
Cuối khoá thì có chương trình học về nhận dạng phi cơ ta và địch. Phi cơ phe ta và Mỹ thì dễ rồi, hồi còn ở chiến trường tôi cũng thường nhìn thấy nó: H34, UH1, CH47, CH54, OH6. Về máy bay có cánh thì O1, O2, C47, C119, C7, C123, C130, AH1, A37, F5, A6, F4C v v.. Chúng tôi còn phải phân biệt những máy bay dân sự và vài loại đặc biệt của Air America nữa.
Còn về máy bay của bên kia thì có Mig 17, 19, 21 với cái máy bay “lên thẳng” MI6 trông hơi giống chiếc CH53 của Mỹ.
Mãn khoá thì tôi được gởi về KĐ 74 ở Cần Thơ. Năm đó phi trường Trà Nóc chỉ có 2 phi đoàn Trực Thăng là 211 và 217. Chúng tôi ở trong dãy barrack của Phòng Huấn Luyện. Không biết ông Trưởng Phòng là ai, chỉ biết mình nằm dưới sự điều động của thằng cha TSI Viễn hắc ám, nó có cô vợ coi được lắm, nhưng bánh mì thịt cô ta bán cho tụi tôi thì mặn hơn thịt kho. Cứ mỗi sáng lúc 5g thì mỗi thằng được PHL cho mượn 1 cái nón bay, trong đó có 1 bịch gạo sấy, 1 hộp trái cây và một hộp thịt ba lát xách tòn teng lên phi đoàn.
Hồi đó Xạ Thủ còn thiếu nên gọi là về đây để Phi Huấn 3 tháng, nhưng trên thực tế họ cắt đi hành quân liền.
Tôi leo lên tàu bay có ông Trưởng phi cơ râu rậm coi phát gớm, lòng tự hỏi sao con bồ ổng chịu được, râu chìa tua tủa ra như rứa hôn nhau nhột chết cha luôn.
QĐVNCH đang tấn công qua Miên, nên máy bay nào cất cánh cũng nhắm hướng Châu Đốc mà bay. Chừng 20 phút bay ven theo sông Hậu là đáp ở núi Sập núi Sam chi đó. Gần bãi đáp (chỉ to hơn cái sân bóng chuyền) là cái ao nuôi cá tra. Ông Pilot của tôi thấy có đứa con gái ngồi trong cầu nên hover gần một chút, ôi thôi mấy tấm lá dừa nước che cầu gió đánh tung lên bay qua phía bên kia, cô gái sợ gió cuốn bay theo, hoặc có thể rớt xuống đìa nên hai tay bấu chặt cứng vô mấy cây cọc tràm, quần sa teng không kịp kéo lên nên phơi cặp mông trắng hếu, dòm thấy thương hết sức.
Một hồi sau liên lạc sao đó mà ông Đại Uý nói mở dây cánh quạt, quay máy để đi tải thương bên Tà Keo.
Đồng ruộng Cam-Pu-Chia mùa này nước trắng xoá như biển, nhưng đó đây thỉnh thoảng thò lên những đám cây thốt nốt và những căn nhà cao cẳng.
Đến một vùng kia khá cao ráo, đất đỏ như đất Miền Đông thì tôi thấy khói màu tím bay lên từ khu vườn của một ngôi chùa Miên mái nhọn. Xung quanh chùa có những cây gỗ sao cổ thụ và cây thốt nốt khá cao.
Ông Mévo bấm máy:
- Có khói tím ở hướng 3 giờ.
Ông Trưởng phi cơ vòng lại và ? máy bay hạ thấp, có tiếng nói trong intercom:
- Clear cây.
Mẻ, ổng nói cái gì rẹc rẹc ? âm vang trong nón bay thế này. Tôi nghe thằng cha Cơ Phi hô “OK” nên cũng bấm máy hô theo “OK”.
Máy bay hạ xuống.. nổ cái đùng, thân tàu lắc lư, sàng qua bên phải rồi đáp, lính bộ binh tràn ra đứng coi, máy bay hạ ga rồi tắt máy. Ông Đại uý chờ cánh quạt ngừng quay rồi leo lên nóc, nhắm nhé coi nó móp thế nào sau khi quất một cú vô ngọn cây thốt nốt.
Méo có chút đỉnh thôi mà mặt ông ta nhăn như khỉ ăn mắm tôm, quay qua nhìn tôi rồi xổ một câu:
- Clear như cặc!
Tuy nhiên ông cũng chở mấy cái cáng thương binh bay về tới Quân Y Viện Cần Thơ, rồi đáp Trà Nóc luôn để Kỹ Thuật coi lại cái Rotor.
Tôi buồn bã xách lỏn tỏn cái nón bay về Phòng Huấn Luyện. Tới ngang khu Nữ Quân Nhân thì thấy một bọn hơn chục thằng đang kiệu nhau trên vai mà nhòm vô dẫy phòng tắm. Nhìn tôi đang đi thất thểu coi thảm thương quá, tụi nó tội nghiệp vời vào, rồi lại còn tận tình kiệu tôi lên vai để tôi nhìn cho sướng cuộc đời.
Tôi để nón helmet xuống rồi nhảy phóc lên vai hai thằng, vừa kê sát mặt vô hàng gạch có lỗ phía trên cao để nhòm gái tắm …. Chưa phân biệt chỗ trắng cùng đen, lá tre khác lá ổi thế nào thì nguyên một thau nước nóng tạt ngay vô mặt, tôi tối tăm mặt mũi vội tụt xuống, hai thằng phía dưới cũng ướt mem. Phía trong mấy đứa con gái lính “Không Cu” cười ré lên chế diễu.
Mấy dẫy barrack này Mỹ mới giao, thành thử hệ thống nước nóng rất nóng như nước sôi, nóng đến nỗi tụi tôi thường lấy trực tiếp đổ vô làm cơm sấy được cơ mà. Mặt tôi đỏ rần lên, không phải vì mắc cở mà vì da rát như bị phỏng.
Tôi lủi thủi ra lấy nón bay mà về chỗ ngủ của mình. Mẹ kiếp, thằng cà chớn nào nhân lúc lộn xộn, chĩa luôn mấy món đồ hộp và bọc gạo sấy của tôi, chỉ còn để lại cái nón helmet trống rỗng. Thôi, thế là chiều nay lại đành phải ăn bánh mì kẹp thịt kho mặn chát của con mẹ Viễn rồi!
Hồi trước tôi thông minh sáng láng lắm, nhưng kể từ khi bị tạt thau nước nóng ấy (không biết tụi nó có giặt đồ gì trong đó chưa) mà tôi bỗng ngu đi trông thấy.
Cái ngu còn hiển hiện trên mặt tôi mãi cho đến bây giờ, hễ đàn bà con gái dỗ ngọt là lại: “Lần này mình ngu kiểu này, lần khác mình lại ngu kiểu khác”.
Ra trường là tôi “được” đi Đà Nẵng ngay, tới PPĐ213 có ông Trương Văn Vinh làm sếp vì ông Đặng Văn Phước mới lên 51CT rồi. Sau đó chuyển qua 233 dưới quyền ông Bùi Quang Chính.
Trong có mấy năm mà tôi có quá nhiều Sếp: Ông Nguyễn Văn Thanh 233, ông Nguyễn Anh Toàn 239, ông Luân (hình như ông họ Phạm Đăng thì phải) Sau cùng là ông Huỳnh Văn Phố ở 253.
Thôi, ngứa tay thì viết chơi về đời lính một chút vậy, nếu các bạn cho là tôi viết “có diên”, thì tôi sẽ viết thêm nữa để kể về chuyện tôi đi tán mấy em bán thuốc lá lẻ (để mua thiếu) và mấy em ở CLB (để dễ bề ghi sổ).
Tôi chẳng bao giờ đi tán mấy em nữ sinh nữa đâu, vừa tốn tiền dẫn em đi ăn chè hoặc xi nê, mà đôi khi còn vỡ mặt, hận đời khi bố em biết tôi chính danh là Xạ Thủ Phi Hành.
                                                                               Minigun. Nguyễn Nén

Đại Tá Kingbee Đặng Văn Phước Phi Đoàn 219 và Không Đoàn 51 Sư Đoàn 1 Không Quân




 

 







Không Ðoàn 51 Chiến Thuật

Huy hiệu Không Ðoàn 51 Chiến Thuật

    Ðóng tại Ðà Nẵng, Không Ðoàn 51, với Không Ðoàn Trưởng cuối cùng là Ðại Tá Đặng Văn Phước, gồm có tất cả 6 phi đoàn trực thăng là các phi đoàn 213, 233, 239, 247, 253, và 257.  

So với các ngành liên lạc, vận tải, và khu trục, ngành trực thăng tương đối sinh sau đẻ muộn, nhưng lại là ngành phát triển tương đối nhanh và mạnh mẻ nhứt của KQ VNCH. 13

Thông thường các phi đoàn trực thăng UH-1 đều có 4 phi đội, 3 phi đội trang bị nhẹ (slick) và 1 phi đội võ trang (gun), mỗi phi đội có 8 chiếc, tổng cộng 32 chiếc trực thăng UH-1.  Một vài phi đoàn có thể có đến 38 chiếc trực thăng UH-1.  Các phi đoàn CH-47 Chinook thì cấp số là 16 chiếc.  KQ VNCH, tính đến trước ngày 30-4-1975, đã tiếp nhận từ quân đội Mỹ tổng cộng khoảng 800 trực thăng UH-1 và 100 trực thăng CH-47 Chinook.  Các phi cơ trực thăng UH-1 của KQ VNCH đã được sử dụng trong rất nhiều phị vụ khác nhau, từ đổ quân (trong các cuộc hành quân trực thăng vận), tải thương, cho đến tiếp tế (các đơn vị, tiền đồn bị địch bao vây), và cứu nạn (truy tầm và tiếp cứu các phi công bị địch bắn rơi), vv.

Phi Ðoàn 213 là phi đoàn kỳ cựu nhứt của Không Ðoàn 51.  Phi đoàn được thành lập vào ngày 1-10-1961 với 20 chiếc trực thăng H-34 và với thành phần Ban Chỉ Huy như sau:

  • Chỉ Huy Trưởng: Ðại Úy Nguyễn Xuân Trường
  • Chỉ Huy Phó: Ðại Úy Nguyễn Hữu Hậu
  • Sĩ quan Kỹ Thuật: Trung Úy Ngô Khắc Thuật
  • Trưởng Phòng Hành Quân: Thiếu Úy Nguyễn Văn Trang

Trực thăng H-34 mang những đặc tính như sau: 14

Phi cơ trực thăng H-34

  • Chiều dài: 17,28 m
  • Chiều cao: 4,85 m
  • Trọng lượng: 3.583 kg
  • Ðộng cơ: 1 động cơ cánh quạt (rotor) Wright R-1820-84 radial engine, có đường kính 17,07 m, 1.525 mả lực 
  • Vận tốc: tối đa 278 km/giờ
  • Tầm hoạt động: 293 km
  • Cao độ tối đa: 1.495 m
  • Phi hành đoàn: 2 phi công chánh và phụ
  • Khả năng vận chuyển: từ 12 (loại A) đến 18 binh sĩ (loại C); hoặc 8 cáng tải thương

So với trực thăng H-19 do KQ Pháp để lại thì H-34 đã mạnh hơn, bay nhanh hơn và có tầm hoạt động rộng hơn.  Từ sau 1965, khi quân Mỹ đã vào Việt Nam, và chiến thuật trực thăng vận được áp dụng gần như cho tất cả các cuộc hành quân lớn nhỏ, trực thăng H-34 đã dần dần được thay thế bởi trực thăng UH-1 có tầm hoạt động rộng hơn và có trang bị hỏa lực.

Các phi đoàn trực thăng còn lại của Không Ðoàn 51 đều được thành lập sau 1970.  Tất cả các Phi Ðoàn này (trừ Phi Ðoàn 247) cùng với Phi Ðoàn 213 đều sử dụng trực thăng UH-1.  Phi Ðoàn 247 là phi đoàn duy nhứt của Không Ðoàn 51 Chiến Thuật sử dụng phi cơ CH-47 Chinook.

    Phi cơ trực thăng CH-47 Chinook là loại trực thăng lớn có khả năng vận tải và tiếp tế rất quan trọng.

Phi cơ trực thăng CH-47

    Trực thăng Chinook mang những đặc tính như sau: 15

  • Chiều dài: 30,1 m
  • Chiều cao: 5,7 m
  • Trọng lượng: 10.185 kg
  • Ðộng cơ: 2 động cơ cánh quạt (rotor) Lycoming T55-GA-714A turboshaft, 4.733 mả lực mổi cái
  • Vận tốc: bình phi 240 km/giờ, tối đa 315 km/giờ
  • Tầm hoạt động: 741 km
  • Cao độ tối đa: 5.640 m
  • Phi hành đoàn: 3 người gồm phi công chánh, phi công phụ, và cơ phi
  • Khả năng vận chuyển: từ 33 đến 55 binh sĩ; 12.700 kg vật dụng
  • Trang bị hỏa lực: có thể trang bị 3 đại liên 7,62 mm loại M24/FN MAG ở phía sau và 2 bên sườn 

Trực thăng UH-1, với biệt danh (nickname) là “Huey,” là loại trực thăng đa dụng, và về sau đã trở thành 1 biểu tượng của Chiến Tranh Việt Nam.  Có thể nói mà không sợ sai lầm là khi nói đến Chiến Tranh Việt Nam thì cái hình ảnh đầu tiên mà mọi người Mỹ cũng như Việt nghĩ đến là chiếc trực thăng Huey.  Trên thực tế, cái tính cách làm cho quân đội Mỹ khác hẳn quân đội Pháp chính là tính cơ động của quân Mỹ, và việc đó chính là do việc lục quân Mỹ sử dụng triêt để các phi cơ trực thăng trong các cuộc hành quân của họ.  QLVNCH, từ sau 1965, cũng mang tính di động cao này, với những cuộc hành quân trực thăng vận lớn nhỏ trên khắp lãnh thổ.  Tuy nhiên, trực thăng Huey không phải chỉ được sử dụng để chuyển quân thôi, mà còn được sử dụng trong rất nhiều công tác khác, như thám thính, yểm trợ hỏa lực, khai quang, tải thương, tiếp tế, tiếp cứu, vv.  Chính vì thế, trực thăng UH-1 đã có rất nhiều kiểu (model) khác nhau, 1A, 1B, 1D, 1H, vv mỗi kiểu thích hợp cho một loại công tác khác nhau.16,17  Phần lớn phi cơ trực thăng của KQ VNCH là loại UH-1H.   

Phi cơ trực thăng UH-1 Huey

Phi cơ trực thăng UH-1 mang những đặc tính như sau: 18

  • Chiều dài: 17,4 m
  • Chiều cao: 4,39 m
  • Trọng lượng: 2.365 kg
  • Ðộng cơ: 1 động cơ cánh quạt (rotor, có đường kính 14,63 m) loại Lycoming T53-L-11 turboshaft, 1.100 mã lực mổi cái
  • Vận tốc: bình phi 201 km/giờ, tối đa 217 km/giờ
  • Tầm hoạt động: 507 km
  • Cao độ tối đa: 5.910 m
  • Phi hành đoàn: 1-4 người gồm phi công chánh, phi công phụ, cơ phi, xạ thủ đại liên
  • Khả năng vận chuyển: 14 binh sĩ, hoặc 6 cáng tải thương, hoặc 1.760 kg vật dụng
  • Trang bị hỏa lực: có thể trang bị 2 đại liên 7,62 mm loại GAU-17/A hai bên sườn, và 2 ổ hỏa tiển loại 7 hay 19 hỏa tiển loại 70 mm 

Dưới đây là bảng tóm lược thông tin về các phi đoàn trực thăng của Không Ðoàn 51 Chiến Thuật:

Ðơn VịChỉ Huy TrườngDanh HiệuHuy Hiệu
Phi Ðoàn 213Ðầu tiên: Ðại Úy Nguyễn Xuân Trường
Cuối cùng: Trung Tá Cao Quang Khôi
Song ChùyThis image has an empty alt attribute; its file name is su-doan-khong-quan-14.jpg
Phi Ðoàn 233Ðầu tiên: Thiếu Tá Bùi Quang Chính
Cuối cùng: Trung Tá Nguyễn Văn Thanh
Thiên ƯngThis image has an empty alt attribute; its file name is su-doan-khong-quan-15.jpg
Phi Ðoàn 239Ðầu tiên: Thiếu Tá Trần Duy Kỳ
Cuối cùng: Trung Tá Nguyễn Anh Toàn
Hoàng ƯngThis image has an empty alt attribute; its file name is su-doan-khong-quan-16.jpg
Phi Ðoàn 247Trung Tá Nguyễn Văn MaiLôi PhongThis image has an empty alt attribute; its file name is su-doan-khong-quan-17.jpg
Phi Ðoàn 253Ðầu tiên: Thiếu Tá Phạm Ðăng Luân
Cuối cùng: Thiếu Tá Hùynh Văn Phố
Sói ThầnThis image has an empty alt attribute; its file name is su-doan-khong-quan-18.jpg
Phi Ðoàn 257Trung Tá Lê Ngọc BìnhCứu TinhThis image has an empty alt attribute; its file name is su-doan-khong-quan-19.jpg

Không Đoàn 51 Sư Đoàn 1 Không Quân

5 phi đoàn trực thăng với phi cơ UH-1H: 
Phi Đoàn 213, 233, 239, 253, 257
1 phi đoàn trực thăng với phi cơ CH-47A : Phi Đoàn 247

Không Ðoàn 51 Chiến Thuật kỷ niệm 40 năm xếp cánh

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV)Ðây là lần thứ tư Không Ðoàn 51 Chiến Thuật thuộc Sư Ðoàn 1 Không Quân vừa có đêm hội ngộ kỷ niệm 40 năm xếp cánh trực thăng vùng địa đầu giới tuyến, tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster, vào Chủ Nhật, 6 Tháng Chín.

Sau nghi thức khai mạc, các cựu chiến sĩ không quân, nhân viên phi hành các phi đoàn, trong quân phục không quân và bộ đồ bay trang nghiêm đồng ca bài “Không Quân Hành Khúc.”


Các chiến sĩ Không Ðoàn 51 đồng ca “Không Quân Hành Khúc.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Lời bài hát vang lên oai hùng như thuở nào làm mọi người xúc động: “Lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi. Hối tiếc tấm thân làm chi. Giờ thề một lòng vượt lên lưng gió quyết chiến thắng. Nhớ lấy phút giây từ ly.”

Cựu Thiếu Tá Huỳnh Văn Phố, cựu phi đoàn trưởng Phi Ðoàn 253 Sói Thần, trưởng ban tổ chức, nói lời chào mừng quan khách.

Kế tiếp, cựu Trung Tá Nguyễn Văn Mai, cựu phi đoàn trưởng Phi Ðoàn Trực Thăng Chinook, giới thiệu thành phần Ban Tham Mưu của Không Ðoàn 51 Chiến Thuật.

Trước hết, phải nhắc đến cánh chim đầu đàn, cựu Ðại Tá Ðặng Văn Phước, cựu Không Ðoàn Trưởng Không Ðoàn 51 Chiến Thuật, đã chỉ huy bảy phi đoàn trực thăng dưới quyền.

“Là một cộng sự dưới quyền của Ðại Tá Phước trong gần 10 năm, tôi thật sự rất kính phục vị chỉ huy của mình. Chúng tôi đã chung lưng đấu cật, vào sinh ra tử, tung cánh chim khắp bốn phương trời ở Vùng I Chiến Thuật,” ông Mai chia sẻ.

Sau đó, cựu Thiếu Tá Huỳnh Văn Phố, giới thiệu các phi đoàn trực thăng và các phi đoàn trưởng gồm cựu Trung Tá Cao Quảng Khôi, cựu phi đoàn trưởng Phi Ðoàn 213, với huy hiệu Song Chùy; cựu Trung Tá Phạm Văn Luân, cựu phi đoàn trưởng Phi Ðoàn 219 (Long Mã), do cựu Thiếu Tá Phi Ðoàn Phó Huỳnh Xuân Thu đại diện. Ðây là phi đoàn đặc biệt nhất, gắn bó nhất với lực lượng Lôi Hổ, cùng với Nha Kỹ Thuật QL VNCH, bay những phi vụ rất nguy hiểm là thả các toán biệt kích; cựu Thiếu Tá Nguyễn Văn Thanh, cựu phi đoàn trưởng Phi Ðoàn 233 (Thiên Ưng); cựu Trung Tá Nguyễn Văn Toàn, cựu phi đoàn trường Phi Ðoàn 239 (Hoàng Ưng); cựu Trung Tá Nguyễn Văn Mai, cựu phi đoàn trưởng Phi Ðoàn 247 trực thăng Chinook (còn gọi là CH 47 do hãng Boeing chế tạo) với huy hiệu là trực thăng Chinook, cựu Thiếu Tá Huỳnh Văn Phố, cựu phi đoàn trưởng Phi Ðoàn 253 (Sói Thần); cựu Trung Tá Lê Ngọc Bình, cựu phi đoàn trưởng Phi Ðoàn 257 (Cứu Tinh). Ðây là phi đoàn chuyên bay đêm của Không Ðoàn 51 Chiến Thuật, chuyên trách tản thương quân nhân thuộc tất cả các quân binh chủng Vùng I Chiến Thuật.


Các phi đoàn trưởng trình diện quan khách với huy hiệu phi đoàn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Mai bồi hồi cảm xúc khi cho biết: “Trên một chiếc trực thăng, phi hành đoàn có tất cả bốn người, gồm hoa tiêu chánh, hoa tiêu phụ, cơ phi và xạ thủ. Ðặc biệt có hai phi đoàn có năm người, đó là phi đoàn tản thương có thêm một người phi hành và phi đoàn Chinook có thêm một áp tải viên lo vấn đề tiếp liệu. Khi máy bay rời mặt đất, lao vào vùng lửa đạn, nếu chẳng may gặp nạn, chúng tôi đều cùng chung một số phận.”

“Trong 40 năm qua, có rất ít các anh em tham gia những sinh hoạt của không quân. Tuy nhiên, đặc biệt tối hôm nay, chúng tôi nhận thấy các anh em phi hành đến dự rất đông, tạo cho ban tổ chức chúng tôi một sự bất ngờ thú vị, xin nhiệt liệt tán thưởng tinh thần chia sẻ niềm vui chung này của chúng ta,” ông Mai nói tiếp.

Kế đến là phần phát biểu cảm nghĩ của cô Ðặng Tuyết Mai, ái nữ của cố Ðại Tá Ðặng Văn Phước.

Cô cho biết rất xúc động khi được nhận những lời vinh danh, nhắc nhở về cha. Cô nhớ lại, cách đây năm năm, cũng trong khung cảnh này, Không Ðoàn 51 đã tổ chức lễ thượng thọ cho cha cô, và hôm nay cũng là ngày giỗ kỵ của ông.

Trong chủ đề “Chiếc Áo Bay Của Cha Tôi,” cô xin phép đọc lên một đoạn thư ngắn của cha cô gởi lại các chiến hữu của mình: “Nếu tôi ra đi để lại sự trống vắng, hãy lấp đầy bằng những kỷ niệm vui, bằng những nụ cười yêu thương và tình huynh đệ. Thú thật, tôi cũng nhớ những kỷ niệm êm đềm đó nhưng vì đời tôi cũng đã đầy đã đủ với vợ hiền con ngoan cùng tình thương của bằng hữu. Cũng có lẽ tôi còn muốn kéo dài thêm chút nữa, nhưng không nên, khi mạng số đã an bài. Chúc mọi người vươn lên và tiếp tục vui sống, và hãy cười lên mà chia sẻ cùng tôi niềm vui mừng bay về nơi vĩnh phúc.”

Cả hội trường bồi hồi nín lặng chia sẻ cảm xúc của vị chỉ huy kính yêu năm nào.

Cô Mai cũng ngỏ lời cảm ơn hai người bạn của cha cô, trong suốt cuộc đời binh nghiệp và cũng là người ở cạnh cha cô, cho đến ngày cuối đời, đó là cựu Ðại Tá Phùng Quang Chiêu. Và một người bạn từ thuở hai người còn hàn vi thời trai trẻ cho đến những lúc sau này, đã thay cha cô chăm sóc gia đình những lúc cha cô bận hành quân, đó là cựu Trung Tá Bùi Vân.

Chương trình được tiếp tục sôi nổi với những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu của các chàng trai thời binh lửa qua các tiếng hát ca sĩ Trang Thanh Lan và rất nhiều ca sĩ không quân. Màn xổ số cũng vui nhộn với những phần quà tặng và dạ vũ đã khép lại đêm hội ngộ trong tình thân không quân.

Không Ðoàn 51 Chiến Thuật, Sư Ðoàn 1 Không Quân QLVNCH là một không đoàn nằm ở địa đầu giới tuyến, đảm trách các phi vụ trực thăng yểm trợ cho toàn Vùng I Chiến Thuật, từ vĩ tuyến 17 đến tỉnh Quảng Ngãi.

 Không đoàn Chiến thuật 51

Đà Nẵng
Phi đoàn Trực thăng 213 UH-1
Phi đoàn Trực thăng 233
Phi đoàn Trực thăng 239
Phi đoàn Trực thăng 247 CH-47 Chinook
Nha Trang
Phi đoàn Trực thăng 253 UH-1
Đà Nẵng
Phi đoàn Trực thăng 257