Sunday, July 7, 2024

Đại Hội Sư Đoàn 1 Không Quân QLVNCH tại Little Saigon

ANAHEIM, California (NV) – Đông đảo đồng hương đến dự Đại Hội Sư Đoàn 1 Không Quân QLVNCH 2024, chủ đề “Vùng Trời Hỏa Tuyến Năm Xưa,” diễn ra vào chiều Thứ Năm, 4 Tháng Bảy, tại nhà hàng Golden Sea Restaurant, Anaheim.

Các cựu phi công Sư Đoàn 1 Không Quân QLVNCH.
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Quan khách đến dự gồm các niên trưởng và chiến hữu Không Quân, cùng nhiều người thuộc các quân, binh chủng khác, từ khắp nơi về hội tụ trong ngày vui hiếm quý này, trong tình chiến hữu huynh đệ chi binh.

Sau nghi thức khai mạc, ban văn nghệ Sư Đoàn 1 Không Quân đồng diễn hoạt cảnh “Cám Ơn Anh” để tưởng nhớ những chiến sĩ QLVNCH đã hy sinh vì tổ quốc và tri ân những thương phế binh đang còn sống tại quê nhà. Sau đó là liên khúc “Không Quân Hành Khúc” và “Con Đường Vui” do toàn ban văn nghệ Sư Đoàn 1 Không Quân đồng ca.

Không Quân Trần Đường, K65, Phi Đoàn 110, trưởng ban tổ chức, ngỏ lời chào mừng và cám ơn đồng hương đến dự.

Ban văn nghệ Sư Đoàn 1 Không Quân đồng ca bài “Không Quân 
Hành Khúc.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông nói: “Đêm nay, những chiến hữu đồng môn Sư Đoàn 1 Không Quân từ khắp nơi hội tụ về trong niềm hân hoan tay bắt, mặt mừng, hàn huyên tâm sự, đồng thời cũng để tưởng nhớ những bạn đồng môn đã gãy cánh ra đi vì quốc gia dân tộc, trong đó có Không Quân Nguyễn Thanh Nam đã tuẫn tiết trong chiều 30 Tháng Tư, 1975, vì cương quyết không đầu hàng giặc.”

“Chúng ta cùng về đây để nhớ lại những ngày binh lửa của vùng trời hỏa tuyến năm xưa, mà chúng ta đã thực hiện nhiều phi vụ xông pha vào những trận tuyến để diệt địch, trên chiến trường cao nguyên núi rừng hiểm trở của vùng Tam Biên, và những chuyến bay vào vùng gió nóng của Hạ Lào cùng nhiều nơi khác. Trên xứ người, những cánh chim bạt ngàn sương gió của Sư Đoàn 1 Không Quân ngày xưa, giờ tuy tóc đã bạc màu, nhưng tinh thần ‘Không Quân không bỏ anh em, không bỏ bạn bè’ vẫn mãi còn trong đại gia đình của Sư Đoàn 1 Không Quân, Không Lực VNCH trên toàn thế giới,” ông nói thêm.

Sau đó là lời phát biểu của các niên trưởng.

Sau khi miền Nam Việt Nam bị thất thủ, một số cựu quân nhân Không Quân bị Việt Cộng đưa vào những trại tù cải tạo trên khắp miền đất nước. Có nhiều người đã chết trong các trại cải tạo, có nhiều người sau khi mãn tù, được sang định cư tại Hoa Kỳ trong diện H.O.

Các cựu phi công Phi Đoàn 219 và cựu chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ. 
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Và cũng có nhiều người may mắn được rời khỏi Việt Nam trước, hoặc sau ngày 30 Tháng Tư, 1975. Trong số này có cựu Không Quân Trung Tá Nguyễn Văn Mai, phi đoàn trưởng Phi Đoàn Trực Thăng Chinook CH-47, thuộc Sư Đoàn 1 Không Quân Đà Nẵng.

Ông Mai kể lại: “Bảy giờ sáng ngày 29 Tháng Ba, 1975, tôi hướng dẫn một đoàn gồm năm chiếc trực thăng Chinook CH-47 bay từ Đà Nẵng về Sài Gòn. Sau đó, tất cả nhân viên phi hành và những trực thăng do tôi chỉ huy được di chuyển về phục vụ cho Sư Đoàn 3 và Sư Đoàn 4 Không Quân. Lúc đó, tôi được quân đội trưng dụng về Bộ Tư Lệnh Quân Không Quân VNCH đặc trách về trực thăng.”“Đến 29 Tháng Tư, 1975, chúng tôi lên chiếc vận tải cơ quân đội C-130 bay qua phi trường U-Tapao, Thái Lan. Một ngày sau, chúng tôi được đưa lên vận tải cơ loại lớn C5 của quân đội Hoa Kỳ bay về căn cứ Guam. Ngày 1 Tháng Năm, 1975, chúng tôi được đưa về Camp Pendleton, Nam California. Ba tháng sau, gia đình chúng tôi được hội nhà thờ bảo trợ và được định cư tại Sacramento. Sau đó, gia đình tôi di chuyển về San Jose cho đến bây giờ.”

Ban văn nghệ Cựu Chiến Sĩ Tây Nam Hoa Kỳ đồng ca bài
 “Hàng Hàng Lớp Lớp.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Không Quân Lê Vĩnh Hòa, K69-A Sư Đoàn 1 Đà Nẵng, từ San Jose về tham dự, nói: “Số lượng chiến hữu đồng môn trên thế giới bay về họp mặt đông đảo chứng tỏ tình chiến hữu Không Quân ở hải ngoại quá tuyệt vời. Đại Hội Sư Đoàn 1 Không Quân lần đầu tiên được tổ chức tại Nam California, nhưng có rất nhiều phi đoàn trưởng các phi đoàn của Sư Đoàn 1 Không Quân về tham dự. Đây là niềm vui mừng cho các bạn đồng môn của chúng tôi, vì lâu rồi chúng tôi mới gặp lại cấp chỉ huy của mình.”

Trong số những đơn vị bạn đến dự có Biệt Kích Lôi Hổ thuộc Nha Kỹ Thuật. Những Biệt Kích Quân này có nhiệm vụ đi nhảy toán ngoài biên giới, và chỉ đi lẻ tẻ từ bốn đến sáu người vào lòng địch để thu thập tin tức, chiếm giữ tài liệu hay bắt sống địch quân. Chiến hữu thân cận của họ nhất là những chàng trai Không Quân trẻ tuổi gan dạ thuộc Phi Đoàn 219 được biệt phái cho Nha Kỹ Thuật để đi thả toán Biệt Kích Lôi Hổ ngoài biên giới Việt Nam.

Ban tam ca Sư Đoàn 1 Không Quân trong liên khúc tình ca 
Trịnh Công Sơn và Ngô Thụy Miên. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Họ là những chiến sĩ vô danh, những bóng ma biên giới, một lần đi không hẹn ngày về! Nhưng nhiệm vụ ấy vẫn thôi thúc nhiều chàng trai trẻ tham gia, trong đó có Biệt Kích Lôi Hổ Huỳnh Ngọc Thương.

Ông Thương tâm tình: “Các chiến sĩ phi công của Phi Đoàn 219 đối với chúng tôi cũng như là anh em ruột thịt, sống chết có nhau, trong lúc đi công tác cũng như lúc về. Vì thế, bất cứ buổi họp mặt nào nếu có anh em Phi Đoàn 219 thì phải có Biệt Kích Lôi Hổ, từ chiến trường ngày xưa cho đến bây giờ.”Chương trình văn nghệ sống động, do ban văn nghệ Sư Đoàn 1 Không Quân và các bạn văn nghệ của các chiến hữu bạn đồng diễn.

Sư Ðoàn 1 Không Quân VNCH đóng tại căn cứ Không Quân Ðà Nẵng, nhiệm vụ chính là yểm trợ các cuộc hành quân của Quân Ðoàn I. Sư Đoàn 1 Không Quân gồm ba Không Ðoàn Chiến Thuật 41, 51, và 61. Sư đoàn trưởng đầu tiên Ðại Tá Nguyễn Ðức Khánh, về sau, ngày 1 Tháng Tư, 1974, ông được vinh thăng chuẩn tướng.

Quang cảnh Đại Hội Sư Đoàn 1 Không Quân QLVNCH tại 
Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Không Ðoàn 41 Chiến Thuật đóng tại Ðà Nẵng, không đoàn trưởng đầu tiên là Trung Tá Phạm Long Sửu. Sau năm 1972, Không Ðoàn Trưởng là Ðại Tá Thái Bá Ðệ và Không Ðoàn Phó là Trung Tá Nguyễn Văn Vượng. Không Ðoàn 41 có tất cả ba phi đoàn với các phi hiệu Phi Ðoàn 110, Phi Ðoàn 120, và Phi Ðoàn 427.

Gia Đình cố Đ/Tá Đặng Văn Phước

Không Ðoàn 51 Chiến Thuật đóng tại Ðà Nẵng, không đoàn trưởng cuối cùng là Ðại Tá Đặng Văn Phước. Không Ðoàn 51 Chiến Thuật gồm có sáu phi đoàn trực thăng là các phi đoàn 213, 233, 239, 247, 253, và 257.Không Ðoàn 61 Chiến Thuật đóng tại Ðà Nẵng, gồm có tất cả bốn phi đoàn khu trục 516, 528, 538, và 550, sử dụng hai loại phi cơ khu trục phản lực A-37B Dragonfly và F5-A/B Freedom Fighter. Không đoàn trưởng đầu tiên là Trung Tá Thái Bá Ðệ. Phi Ðoàn 516 là phi đoàn kỳ cựu nhất của Không Ðoàn 61. [đ.d.]

No comments:

Post a Comment