LITTLE SAIGON - Trong số báo đề ngày thứ Ba, 27-4-2010, nhâït báo Viễn Đông đã đăng tải câu chuyện của Thiếu tá Phi công Trần Ngọc Thạnh, Phi Đoàn 219, lái chiếc trực thăng UH1 chở theo 39 thân nhân của các quân nhân Không quân, bay từ Côn Sơn ra hàng không mẫu hạm USS. Midway vào ngày 28-4-1975. Sau câu chuyện này, người sĩ quan không lực VNCH còn kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện rất ly kỳ về người con gái của ông mất tích tại New York. Sau ba năm lặn lội tìm kiếm, kết quả ông gặp lại con và cháu, trong hoàn cảnh hết sức bi thương. Câu chuyện do Thiếu Tá Thạnh kể rất nhiều tình tiết khá ly kỳ, nên chúng tôi viết lại trong hai số báo liên tiếp. Chuyện bắt đầu như sau.
Ông bà Trần Ngọc Thạnh có bốn người con và ông bà hiện đang cư ngụ tại Nam California. Cẩm Tú là người con gái bị mất tích tại New York. Cô học Tiểu và Trung học tại Nam Cali. Trong thời gian học trung học, Cẩm Tú thuộc loại học sinh giỏi lại được trời ban cho một nhan sắc mặn mà.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Cẩm Tú được học bổng và lên học đại học, tốt nghiệp tại đại học USC về môn Sinh học Y khoa và Anh ngữ. Sau đó Cẩm Tú vào một trường Y Khoa tại Maryland. Tại đây cô được một bác sĩ mổ óc giỏi làm thầy dạy và nhờ Cẩm Tú biên soạn giúp cho cuốn sách hướng dẫn giải phẫu óc của ông, mà các bác sĩ mổ óc thời đó đều phải dùng. Chính vị bác sĩ này nói, nếu không có những người tiếp tay với ông như Cẩm Tú, thì cuốn sách không thể thành hình. Trong lúc đó, Quỳnh Giao, người chị cả làm Dược sĩ tại Bellevue Hospital ở New York.
Mất tích con gái
Năm 2000, Quỳnh Giao tìm được công việc tốt tại California nên chuyển về Cali làm việc. Cẩm Tú thấy vậy cũng tính về thăm bố mẹ trong dịp hè. Cô nói điện thoại với mẹ: “Mẹ ơi, con đi chơi một vòng rồi con về nghe mẹ”. Nhưng Cẩm Tú đi luôn, không còn nghe tăm hơi đâu nữa. Bố mẹ rồi chị, rồi em ở nhà cuống lên, đi tìm khắp nơi khắp chỗ, ròng rã ba năm trời, không một tín hiệu nào sáng sủa!
Trong thời gian này, ông Trần Ngọc Thạnh kể: “Bà xã tôi đau khổ vô cùng, tự nhiên mất đứa con gái ngoan hiền lại học hành giỏi giang, tương lai đầy hy vọng; bả khóc hoài, không ngày nào không khóc. Đứa con gái út tên là Elizabeth học cũng rất giỏi, nên được tuyển vào đại học UC Berkeley. Tôi cũng đi làm, thành ra bả càng cảm thấy cô đơn, càng khóc dữ”. Ông Thạnh cho biết, ông cũng đau khổ lắm chứ, nhưng là trụ cột gia đình, không lẽ cũng cứ than khóc hoài như vợ, nên đành phải nén nỗi đau trong lòng đi làm, vừa để khuây khỏa, vừa có tiền nuôi sống gia đình và lo cho con gái út học hành.
Chuyện buồn khổ của gia đình cứ như thế kéo dài, hai ông bà không ngờ rằng người con gái đầu, cô Quỳnh Giao rất thương cha mẹ, thương em. Quỳnh Giao âm thầm liên lạc hết cơ quan này đến cơ quan kia, hết người thân đến bạn bè khắp nơi, để dò la tin tức em mình, nhưng không hề cho bố mẹ biết.
Bỗng một hôm, Quỳnh Giao gọi cho bố: “Ba ơi, con có tin mừng, có thể là tìm ra được Cẩm Tú rồi ba”. Đang trong lúc buồn khổ, tuyệt vọng, hai ông bà nghe được tin như vậy thì mừng rỡ hết sức. Chưa kịp hỏi, Quỳnh Giao nói: “Con có người bạn đang làm tại Sở Xã Hội bên Đức, nó mới fax cho con cái copy Driver License của Cẩm Tú, bây giờ ba phải chuẩn bị đi với con qua Đức”.
Lên đường qua Đức tìm con
Sau khi Quỳnh Giao cho biết tin tìm ra tung tích của Cẩm Tú, ông Trần Ngọc Thạnh sắp xếp công việc, xin nghỉ một thời gian để đi Đức. Lúc này là sau vụ 911, nên mọi sự di chuyển, nhất là bằng đường hàng không vô cùng khó khăn. Ai đã có dịp đi du lịch hay di chuyển trong thời gian này thì đều biết. Hai cha con ông Thạnh mua vé từ Los Angeles đi Munich, nhưng không có chuyến nào đi thẳng tới Munich, chỉ có chuyến bay đi Frankfurt thôi. Khi máy bay đáp xuống Frankfurt, lại phải đi xe lửa về Munich. Hai cha con ông Thạnh mang tâm trạng bồi hồi khôn tả, không biết có thật sự được gặp con, gặp em hay không và gặp trong hoàn cảnh nào?
Ông Thạnh nói: “Tôi rất may mắn có người con gái lớn xông xáo, nó lo mọi chuyện, tôi chỉ biết đi theo nó thôi”. Rồi ông tâm sự tiếp: “Thật ra, như anh biết đấy, mình đã là dân dày dạn phong sương, từng trải cuộc đời và qua nhiều gian nan nguy hiểm; nhưng qua Đức này, mình cảm thấy như không biết gì hết ráo, mọi cái đều phó mặc cho đứa con gái lớn lo, nó biểu làm cái gì tôi làm cái đó, chỉ mong sao sớm nhìn thấy mặt Cẩm Tú. Con đường từ Frankfurt đi Munich làm tôi nhớ đến biến cố năm nào, khi Palestine bắt cóc những cầu thủ túc cầu Do Thái, rồi sau đó nhiều chuyện nổ ra. Tôi đi qua những thành phố mang tên các đội túc cầu và nơi sản xuất xe Mercedes nổi tiếng của Đức quốc, mà lòng không cảm thấy hứng khởi chút nào”.
Khi xuống xe lửa thì trời đã gần tối, hai cha con ông Thạnh đi tìm chỗ trọ. Đang lúc đó, tự nhiên có một người đàn bà Đức lại gợi chuyện, sau khi biết hai cha con ông đang đi tìm phòng trọ, bà người Đức nói: Tôi có một căn nhà ở dãy phố bên kia, nếu hai cha con ông chịu ở, tôi cho mướn một phòng.
Bà dẫn lại coi, nó như một căn apartment bên Mỹ, sạch sẽ, ngăn nắp lắm. Hai cha con ông bằng lòng mướn, và thật kỳ diệu, như có một sự an bài nào đã sắp sẵn; người đàn bà Đức chỉ vẽ cho đủ mọi thứ trên đất nước mà lần đầu tiên hai cha con ông vừa đặt chân đến.
Giây phút trùng phùng
Thiếu tá Trần Ngọc Thạnh kể tiếp: “Sáng hôm sau, hai cha con thuê taxi chở đến địa chỉ mà người bạn của Quỳnh Giao cho biết. Đến nơi, hai cha con ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình nữa: đây là bệnh viện tâm thần!”
Sau khi trình giấy tờ và chờ đợi không lâu, Cẩm Tú đi ra. Ông Thạnh nói: “Cẩm Tú trước đây khá xinh đẹp, bây giờ nó cũng vẫn phây phây ra, nhưng có điều nó không còn thân mật như ngày nào, mỗi khi đi học về là chạy lại ôm cổ bố, ôm cổ mẹ, chào hỏi thân mật. Bây giờ cha con gặp nhau, Cẩm Tú dửng dưng như nhìn một người quen. Một lúc sau nó mới nói: ‘Ba muốn ăn cái gì con đi nấu cho ba ăn’”.
Ông Thạnh và Quỳnh Giao nghe câu nói mà lòng xót xa! Biết rằng con mình, em mình, đã thâït sự không còn bình thường nữa rồi! Ông Thạnh cố cầm lại, không để những giọt nước mắt tuôn ra. Hai cha con xin vào xem phòng ngủ của Cẩm Tú, một căn phòng có ba cái giường cho ba phụ nữ ở chung; cũng sạch sẽ, tươm tất lắm.
Ông bàn với người con gái lớn là Quỳnh Giao, bây giờ mình tìm cách mua vé máy bay đưa Cẩm Tú về Mỹ. Ban đầu Cẩm Tú đồng ý về, khi mua vé máy bay xong cô ta đổi ý, không chịu về nữa.
Phát giác có thêm đứa cháu ngoại
Quỳnh Giao rất thông minh, cô ta hỏi thăm thế nào không biết mà bảo bố: “Còn chuyện này rắc rối lắm, không đơn giản đâu ba, ba đi với con tới chỗ này”. Ông theo con gái đến gặp Cẩm Tú lần nữa, rồi hai cha con gọi taxi đi ra vùng ngoại ô, ngồi xe thấy cũng khá xa. Đến một khu nọ có một nhà thờ và một chung cư 4, 5 tầng, trong sân toàn con nít đang nô đùa. Quỳnh Giao nói với bố: “Hai cha con mình vào đây”. Sau khi Quỳnh Giao nói chuyện với nhân viên phụ trách, ông Thạnh hiểu lờ mờ rằng ở đây có con của Cẩm Tú, cháu ngoại của ông, nhưng ông không dám hỏi Quỳnh Giao: “Bộ Cẩm Tú có con rồi sao con?”. Ông lặng thinh để lòng mình tràn ngập niềm xúc động và Quỳnh Giao rất khôn khéo, không muốn bố mình phải bận tâm suy nghĩ!
Người nhân viên dẫn hai cha con ông Thạnh vô một căn phòng, có đứa con gái chừng 1 tuổi. Quỳnh Giao nói: “Đó, con của Cẩm Tú đó ba”.
Ông Thạnh trầm ngâm một lúc rồi tâm sự:
“Bây giờ anh thấy tôi ở trong một hoàn cảnh khó xử không, con gái quốc tịch Hoa Kỳ thì ở nhà thương điên của Đức; cháu quốc tịch Đức thì ở viện mồ côi do nhà thờ chăm sóc. Tôi biết làm sao bây giờ?”. Rồi ông kể tiếp: “Nhưng mà được một cái làm tôi vô cùng thán phục người Đức, mình không ngờ họ chăm sóc, lo lắng cho những trẻ mồ côi tuyệt diệu như vậy, thật khó mà học được những điều tốt đẹp đó của người Đức”.
Sau khi thăm cháu rồi, hai cha con ông Thạnh trở về chỗ trọ, ông bảo Quỳnh Giao: “Thôi ba mệt quá rồi, ba đi ngủ đây”. Nhưng ngủ thế nào được, khi còn biết bao nhiêu câu hỏi được đặt ra, phải làm cách nào đưa được con, được cháu về Mỹ. Chuyện không đơn giản chút nào.
Hai cha con ông Thạnh bàn nhau, bằng mọi cách phải đưa được cả con của Cẩm Tú về, chứ nếu để hai mẹ con chia cách, thì không hy vọng gì về Mỹ mà Cẩm Tú bình phục được.
Quỳnh Giao và ông Thạnh xuống văn phòng Viện Mồ Côi hỏi họ, bây giờ muốn đưa cháu bé về Mỹ phải làm sao? Họ nói, phải về Mỹ mướn Luật sư, vì tình trạng cháu bé sinh ở Đức, quốc tịch Đức, bố là người Đức nữa nên càng khó khăn. Hai cha con tìm đến chỗ Cẩm Tú sinh con để xin tờ khai sanh.
Vì thời gian không còn, hai cha con ông Thạnh đều phải về đi làm, nên tính đưa Cẩm Tú về trước, rồi sẽ tìm Luật sư đưa cháu bé sang Mỹ sau. Hai cha con đến gặp Cẩm Tú khuyên Cẩm Tú cùng về một lượt, nhưng cô bé nói nửa điên nửa thật: “Thôi bây giờ ba má dọn qua đây ở đi, con ở đây được rồi”.
Hai cha con ông Thạnh tìm hiểu, họ cho biết ở đây cứ hai tuần họ cho Cẩm Tú vào thăm con một lần, và họ cho biết, tuy là hai mẹ con nhưng như hai đứa bạn vậy thôi. Ông Thạnh nói: “Nó giống như hai đứa trẻ chơi với nhau. Bác sĩ họ cho biết, trong bộ não của Cẩm Tú bây giờ trống trơn, nó chỉ suy nghĩ như bộ óc của đứa con nít thôi”.
Hai cha con ông Thạnh không làm sao hơn được, vì Cẩm Tú nhất định không chịu về.
Hai cha con đành trở về Mỹ tay không. Nhưng sau đó, ông cho con gái út là Elizabeth đang học tại UC. Berkley biết. Nghe xong, Elizabeth bỏ một học kỳ, qua Đức tìm chị. Elizabeth nói với bố mẹ: “Con sẽ mang chị Cẩm Tú về cho ba má”.
Elizabeth lên đường qua Đức, tìm gặp chị và ngỏ ý đưa chị về nhà với ba má, bị Cẩm Tú đánh cho một trận sưng vù hai mắt; nhưng vì thương chị, Elizabeth vẫn kiên nhẫn dỗ dành và đưa được Cẩm Tú về New York.
Cẩm Tú trốn lần thứ hai tại phi trường New York
Khi vừa xuống máy bay tại phi trường New York, Elizabeth gọi điện thoại về cho chị Quỳnh Giao: “Chị ơi! Cẩm Tú lại trốn mất rồi!”. Và Elizabeth òa lên khóc.
(Còn tiếp ngày mai) http://www.viendongdaily.com/Contents.aspx?item=96&contentid=7952
Thanh Phong/Viễn Đông
LITTLE SAIGON – Trong số báo hôm qua, phóng viên Viễn Đông ghi lại câu chuyện một gia đình quân nhân QLVNCH tị nạn tại Hoa Kỳ sau biến cố 1975. Thiếu Tá Phi Công Trần Ngọc Thạnh đã kể cho chúng tôi nghe chuyện gia đình ông đi tìm một người con mất tích, cô Cẩm Tú, trong suốt ba năm. Sau nhiều cố gắng tìm kiếm, gia đình đã gặp được cô ở một bệnh viện tâm thần bên Đức với một đứa con, và thuyết phục đưa cô về Hoa Kỳ.
Khi Elizabeth, em gái Cẩm Tú, hộ tống cô từ Đức về đến phi trường New York thì Cẩm Tú lại trốn mất! Quỳnh Giao, chị của Cẩm Tú, vội vàng gọi cho Cảnh Sát New York nói rõ sự việc. Cảnh sát cho truy tìm khắp phi trường và bắt gặp Cẩm Tú đang năn nỉ xin quá giang một phi cơ trở về Đức. Khi Cảnh sát gặp Cẩm Tú, họ gọi cho Quỳnh Giao hay ngay và Quỳnh Giao nhờ họ giúp đỡ cho Cẩm Tú về phi trường Los Angeles. Cảnh Sát liên lạc với gia đình ông Thạnh, cho số chuyến bay và dặn ra phi trường Los Angeles đón Cẩm Tú.
Cẩm Tú xuống phi trường, tay xách theo duy nhất một cái đầu máy may mang từ Đức về, ngoài ra không mang theo cái gì hết. Ông bà Thạnh đưa Cẩm Tú về nhà, chiều chuộng đủ thứ nhưng Cẩm Tú cứ đòi ra phi trường hoài. Ông Thạnh nói, “tôi không biết có phải nó nhớ con nó, nhớ nước Đức hay nhớ cái gì không biết nữa!”.
Tìm cách qua Đức đem cháu Viktoria về Mỹ
An tâm tìm được con gái, bây giờ hai ông bà và gia đình phải lo làm sao đem được Viktoria, con của Cẩm Tú, về. Ông Thạnh và Quỳnh Giao đi đến các văn phòng Luật sư hỏi thăm, chỗ nào cũng đòi hai, ba chục ngàn, mà gia đình đâu thuộc loại giàu sụ, nên rất là khó khăn.
Cuối cùng Quỳnh Giao nói với bố: “Chuyện này để con tính, không cần mướn Luật sư nữa”. Vậy mà mọi thủ tục từ tiếng Đức sang tiếng Anh, tiếng Anh qua tiếng Đức, Quỳnh Giao đều nhờ mấy người bạn học cũ ngày xưa giúp đỡ, đâu vào đó hết. Mấy người bạn Quỳnh Giao liên lạc thường xuyên và có mối quan hệ ngoại giao rất tốt.
“Phần gia đình tôi”, ông Thạnh nói, “vợ chồng tôi phải đi học một khóa về an toàn và phương cách cứu người do Hồng Thập Tự dạy. Học mấy tháng trời mới được cấp cái bằng; có cái bằng này mới hội đủ một trong những điều kiện được nuôi Cẩm Tú và con nó”.
Ông Thạnh kể tiếp, “Bà xã tôi nhiều lúc chán nản, thất vọng vì bệnh của Cẩm Tú không có triệu chứng suy giảm chút nào, phần vì chưa đưa được con Viktoria về”, nên ông cứ phải khuyên nhủ, an ủi vợ hoài.
Lên đường qua Đức lần thứ hai
Khoảng 6 tháng, sau khi Cẩm Tú về nhà, một hôm Quỳnh Giao gọi điện thoại cho bố: “Bố mẹ chuẩn bị sẵn sàng đi nhé, chuyến này cả mẹ cũng phải đi luôn vì qua Đức, cả bố mẹ phải ra tòa đó”.
Ông Thạnh ngừng một chút, rồi nói: “Anh biết không, bà xã tôi nhút nhát lắm, hồi nào tới giờ chẳng dám đi đâu xa, chẳng biết lái xe nữa, đi đâu toàn tôi làm tài xế thôi. Vậy mà bây giờ phải ngồi máy bay qua nước Đức. Không biết tâm trạng bả như thế nào, nhưng theo tôi nghĩ bả lo lắm mà mặt phải cố gượng làm vui để cho con gái nó vui vẻ nó lo mọi chuyện”.
Hôm đó ông Thạnh nhớ vào khoảng tháng 11 năm 2001, trời bên Âu châu đầy tuyết trắng phủ kín. Ông nói: “Xuống phi trường và thuê taxi về nơi Cẩm Tú sanh con để xin cái khai sanh. Cầm khai sanh trong tay mới biết nó đặt tên con nó theo tiếng Đức là Viktoria, còn nó là Victoria. Thủ tục ra tòa để xin con Viktoria rất lằng nhằng không đơn giản chút nào. Tuy nhiên nhờ Quỳnh Giao lúc ra tòa nó trả lời mọi chuyện cho quan tòa đều suông sẻ, nên sau khi tòa ngưng một vài phút để họ thảo luận, rồi quan tòa ra tuyên bố từ nay Viktoria thuộc về gia đình tôi. Từ ông quan tòa đến các Luật sư, Biện lý đều đi xuống bắt tay chúc mừng gia đình tôi. Tuy nhiên họ nói khi về Mỹ chúng tôi phải ra tòa bên Mỹ một lần nữa mới xong.
Khi có đầy đủ giấy tờ thì Viện Mồ Côi gọi báo cho chúng tôi biết, họ đã sắp xếp cho chúng tôi chỗ ở trong Viện, để Viktoria có thể làm quen dần với gia đình, nhận biết người thân”.
Ông nhận xét, “Thật phải phục người Đức, họ hết sức chu đáo. Ngày đầu tiên họ cho con Viktoria tiếp xúc với chúng tôi một tiếng. Ngày thứ hai hai tiếng. Ngày thứ ba lâu ba, bốn tiếng. Cứ như thế trong 2 tuần lễ để ngày cuối cùng khi nó đi theo mình nó không bỡ ngỡ”.
Ông Thạnh tâm sự: “Anh biết không, nếu mình không ra ngoài, mắt mình không mở ra thì mình không nhận ra được cái văn minh của người Đức, họ coi trọng sinh mạng con người như thế nào. Nội cái chuyện này thôi, anh thấy cũng khó khăn vô cùng. Trong lúc tôi và Quỳnh Giao đi lo thủ tục này kia, chỉ có mình bà xã tôi ở nhà, họ đem con Viktoria đến, bà xã tôi thì tiếng Anh bập bẹ, tiếng Đức không biết một chữ. Con cháu thì xổ tiếng Đức pha tiếng Anh, hai bà cháu ai nói người nấy biết, chẳng ai hiểu ai nói cái gì!”.
Nhưng rồi mọi sự diễn tiến rất tốt đẹp làm cho hai ông bà cảm thấy thoải mái.
Vượt qua những trở ngại
Bố của Viktoria là người Đức. Anh này và gia đình cũng tử tế, thỉnh thoảng đến thăm Cẩm Tú và con gái Viktoria, nên Quỳnh Giao hỏi thủ tục, người ta cho biết nếu bố Viktoria giành nuôi con thì là một trở ngại lớn cho gia đình. Quỳnh Giao lại lãnh sứ mạng đi gặp gỡ gia đình này, và người bố cũng như gia đình ký giấy đồng ý cho ông bà Thạnh đem Viktoria về Mỹ. Lúc này, ông bà Thạnh và Quỳnh Giao mới cảm thấy nhẹ nhõm.
Hôm đó vào ngày thứ Năm, trời đã tối nên không thể đi làm thủ tục xin Công dân Hoa Kỳ cho Viktoria. Hôm sau, cả gia đình cùng đi đến Tòa Lãnh Sự Mỹ để xin cho Viktoria được nhập tịch và có giấy tờ thông hành về Mỹ. Vì đường xa lại kẹt xe khá lâu, khi đến Toà Lãnh Sự thì đã quá trễ, nhân viên tòa Lãnh Sự lo việc này đã đóng cửa từ lúc 7 giờ 30 tối. Nhân viên ở đây rất nhã nhặn, họ hẹn gia đình trở lại vào sáng thứ Hai, mà thứ Hai là ngày ông bà Thạnh và Quỳnh Giao phải về Mỹ. Lúc đó hai ông bà rất buồn, nghĩ rằng lại phải về tay không, không thể nào lo kịp mọi thủ tục vào quốc tịch, sổ thông hành và vé máy bay cho Viktoria.
Ba người đang đi bộ trên con đường phủ đầy tuyết trắng xóa, trời rất lạnh, bỗng thấy có một người đàn bà đi vội về phía mình, nhưng ai cũng nghĩ đó là một bộ hành như mình. Khi đến sát gia đình ông Thạnh, người đàn bà lên tiếng hỏi: “Phải gia đình Viktoria không?”. Quỳnh Giao nói phải. Bà này yêu cầu tất cả quay lại Tòa Lãnh Sự gấp.
Gần đến nơi, bà mới nói: “Tôi là Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại đây, tôi sẽ giúp gia đình ông bà”. Hai vợ chồng ông Thạnh và Quỳnh Giao hết sức mừng rỡ. Bà Tổng Lãnh Sự ra lệnh các phòng trở lại mở cửa làm việc để cấp sổ thông hành cho Viktoria.Thế rồi người lo điền giấy tờ, người lo lăn tay, chụp hình. Hai ông bà ngồi chờ một hồi lâu thì bà Tổng Lãnh Sự cầm Sổ Thông Hành ra trao cho ông Thạnh với lời chúc mừng. Cuốn sổ thông hành mới vừa ép plastic còn nóng hổi. Cả ba người rối rít cám ơn các nhân viên Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ.
Nhưng bây giờ làm sao mua vé cho Viktoria kịp đi cùng chuyến bay với gia đình? Theo vé máy bay của hai ông bà Thạnh và Quỳnh Giao, họ phải bay từ Munich về Paris, rồi mới bay từ Paris về Los Angeles. Cả ba người đều bối rối không biết tính sao, bèn quay trở về chỗ trọ. Vừa bước vào phòng có người đem tới trao cho ông Thạnh chiếc vé máy bay của Viktoria do Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tặng. Hai ông bà và Quỳnh Giao cầm tấm vé chết lặng. Không thể ngờ được mọi sự diễn tiến quá ư tốt đẹp như thể có bàn tay một thần linh nào đó an bài, lo liệu giúp.
Lại thêm chuyện kỳ diệu nữa xảy ra
Có vé máy bay trong tay, gia đình ông bà Thạnh gọi taxi ra phi trường. Trời xấu, sương mù dày đặc, không nhìn thấy mặt đường. Ông Thạnh tâm sự: “Anh biết, ngày xưa tôi từng lái máy bay bay trong mây, đâu có gì sợ, vậy mà lúc đó tôi sợ, vì không biết bao giờ mới ra tới phi trường, sợ trễ chuyến bay từ Paris về Mỹ”.
Khi máy bay gần hạ cánh ở phi trường Paris, người hoa tiêu thông báo cho hành khách: “Tất cả quý hành khách cứ ngồi trên máy bay, nhường chỗ cho gia đình Viktoria xuống trước đã”. “Chúng tôi lại một phen lên ruột”, ông Thạnh nói, “tôi không hiểu tại sao mình lại được phước đặc biệt, được ưu đãi như thế này. Và anh biết không, khi chúng tôi vừa xuống máy bay thì có một chiếc xe Van chạy tới liền, loại xe chở các phi công ra máy bay. Một người từ trên xe bước xuống hỏi: ‘Có phải gia đình Viktoria không?’. Sau khi nghe trả lời ‘Phải’, ông này bồng ngay Viktoria chạy lên xe”.
Bà vợ ông Thạnh tưởng bị cướp mất cháu, rút dép ra cầm tay chạy theo. Khi tất cả lên xe, người tài xế phóng như bay tới đầu phi đạo, nơi có chiếc phản lực cơ Boeing 747 đang chờ sẵn. Anh ấy đưa Viktoria lên máy bay, và gia đình lên theo. Khi Viktoria vừa bước vào phi cơ, tất cả mấy trăm hành khách đồng loạt vỗ tay chào đón. Thì ra người hoa tiêu được lệnh và đã nói với hành khách vui lòng chờ một em bé từ Đức về Mỹ rất đặc biệt, nên ai cũng nhìn em bé với vẻ mặt đầy thiện cảm. Máy bay cất cánh, rời phi trường Pháp quốc bay về Los Angeles.
Ra tòa tại Orange County
Ông Thạnh kể tiếp: “Theo đúng thủ tục, sau khi cháu Viktoria về với mẹ nó, chúng tôi phải ra tòa án tại Orange County để hợp thức hóa việc nhận Viktoria. Hôm đó lẽ ra phải thuê Luật sư, nhưng Quỳnh Giao nói với bố: ‘Chuyện này con làm được, ba má khỏi mướn Luật sư’. Ngày ra tòa, quan tòa hỏi Luật sư đâu. Quỳnh Giao đứng lên nhận đại diện cho gia đình, và trả lời quan tòa mọi câu hỏi một cách suông sẻ. Sau đó, quan toà chúc mừng và nói: ‘Hôm nay mới đúng là ngày sinh nhật của Viktoria, chúng tôi chúc mừng cháu và gia đình’. Từ ông quan tòa đến các vị Biện Lý, Luật sư đều xuống bắt tay từng người. Một ông bắt tay Quỳnh Giao và nói: ‘Cô phải là Luật sư mới đúng, làm Dược sĩ không đúng nghề của cô đâu’”.
Gia đình ông bà Thạnh đem Victoria về nuôi nấng bên cạnh Cẩm Tú.
Cẩm Tú có lúc tỉnh, có lúc bất bình thường. Những nhà nghiên cứu cho biết trường hợp này gia đình phải đề phòng. Khi bệnh phát lên, Cẩm Tú có thể làm những chuyện không ngờ, kể cả có thể làm hại ngay đứa con của mình, vì lúc đó cô ấy không biết gì nữa. Ông Thạnh nói: “Bây giờ tôi phải nuôi hai đứa con nít, vì tuy Cẩm Tú đã trên 30 tuổi nhưng như một đứa con nít vậy. Vào những dịp lễ như lễ Noel chẳng hạn, có người tặng quà, tặng búp bê cho con Viktoria, nó xin con nó một con, không được, nó lại mách tôi: ‘Ba ơi, nó có hai con mà nó không cho con một con’”.
Ông Thạnh kể: “Từ khi có mẹ con con Cẩm Tú về, gia đình vui lắm. Anh biết sao không, mỗi lần nó pha cho tôi một ly cà phê mất ba tiếng đồng hồ. Mà nói trước, thí dụ 7 giờ nó đi pha nó nói, ba ơi 10 giờ ba uống cà phê nghe, và đúng 10 giờ mới pha xong ly cà phê. Nó thích trồng cây và tưới cây, nó trồng tùm lum và chỉ tưới cây của nó trồng thôi. Mẹ nó bảo tưới hộ má cây đó, cây đó luôn. Tưởng nó tưới đến khi ra xem, cây chết khô, còn cây nó trồng đẫm nước”.
Ông Thạnh nói: “Hôm nào bà xã tôi muốn thử nó, bả bảo: ‘Nay Cẩm Tú nấu cho má nồi cơm đó’. Nó vâng dạ, xong bắt đầu vào bếp, quậy tứ tung mọi thứ và cứ loay hoay ở bếp liên tục đến chiều vẫn chưa có nồi cơm. Đặc biệt, đi đâu Cẩm Tú cũng cầm theo cây dù, ai bảo bỏ nó cũng không bỏ. Nó rất ghét tiếng động và trời nóng. Ở nhà mỗi lần tôi mở radio lớn một chút, nó bảo: ‘Ba nghe headphone đi’. Một bữa nọ, tôi đưa nó đi chơi, gặp một bọn nhóc xách cái máy mở nhạc Rap, nó bảo mấy đứa nhỏ ‘Vặn nhỏ lại’, bọn trẻ không nghe. Nó lấy cây dù cầm sẵn trong tay quật cho một phát. Mấy đứa khác gọi cảnh sát. Cảnh sát đến coi giấy tờ, biết nó người bệnh nên đem vô bệnh viện giữ 2 tuần rồi cho lãnh về”.
Riêng Viktoria, cháu học rất giỏi và ngoan. Một hôm ông Thạnh đi đánh bóng bàn, chở cháu Viktoria đi theo, ngồi băng sau, đột nhiên Viktoria gọi: “Opa”. Ông Thạnh nói, Opa tiếng Đức là ông nội, ông ngoại. Ông liền hỏi lại: “Gì đó con?”. Viktoria nói: “I love Opa”. Nghe những lời như thế, ông quên hết mọi vất vả, cực khổ.
Có một người bạn hỏi ông: “Bây giờ anh muốn con Cẩm Tú nó trở thành kỹ sư, bác sĩ, có gia đình,như những người khác hay anh muốn có một Cẩm Tú và con bé Viktoria này nhập lại?”
Cẩm Tú thích đi những nơi vắng vẻ, yên tĩnh và khí trời lành lạnh là cô ấy có thể ngồi chơi hàng mấy giờ liền. Ông Thạnh nói: “Bây giờ thì tình trạng khá sáng sủa rồi, vợ chồng tôi dành hết tình thương cho mẹ con nó và thấy càng ngày bệnh tình nó càng có vẻ tiến triển”.
Sau khi kể xong câu chuyện, ông Trần Ngọc Thạnh tâm sự với chúng tôi: “Tôi có hai điều muốn chia sẻ với anh.
Thứ nhất, tôi cảm phục tinh thần của người Đức, họ trả ơn người Mỹ tận tình, vì như anh biết, người Đức thường nói, nếu không có Hoa Kỳ giúp Đức, giờ này nước Đức sẽ không được như vậy. Ngay trong chuyện gia đình tôi, cháu Cẩm Tú quốc tịch Mỹ thì ở Đức họ cho cháu hưởng đầy đủ quyền lợi như của Mỹ, không tốn một xu.
Việc thứ hai tôi muốn chia sẻ với anh, gia đình tôi trước đây theo đạo Phật, khi gia đình lâm nạn thì Mục sư Bửu, trước cùng đi bay với tôi trong phi đoàn, sau này anh học ra Mục sư. Mục sư Bửu thường xuyên đến nhà an ủi gia đình, khuyên bà xã tôi cầu nguyện với Chúa, nhưng bà xã tôi đâu biết Chúa là ai mà cầu nguyện. Có mấy bà bạn còn nói, may mà bà không ra điên luôn đó. Nhưng qua câu chuyện xảy ra cho gia đình, chúng tôi ngồi nghĩ lại mới thấy, quả thật, nếu không có bàn tay Chúa nhúng vào, gia đình chúng tôi không thể được những ơn phước như vậy. Chỉ có tình thương vô biên của Chúa mới giúp gia đình chúng tôi vượt qua biết bao trở ngại tìm thấy con, được cháu đoàøn tụ. Thử hỏi có con người nào tài giỏi mà lo sắp đặt mọi chuyện đâu vào đấy như vậy được, ngoài Chúa ra. Cho nên gia đình tôi đã xin gia nhập làm con cái Chúa, và từ ngày biết Chúa đến nay, chúng tôi càng được Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác. Cho nên, từ trước đến nay, tôi chưa hề kể câu chuyện này cho tờ báo hay cơ quan truyền thông nào, nhưng nay tôi kể cho anh nghe, không phải để khoe khoang, vì có gì mà khoe khoang, chuyện khởi đầu cũng đâu có tốt đẹp phải không anh?
Nhưng tôi muốn kể cho một tờ báo tôi yêu mến, tôi thích để nói lên tình thương bao la của Chúa, và tôi có bổn phận tri ân Ngài. Chúng tôi tin tưởng ở Chúa, và chúng tôi hằng cầu xin Ngài, chúng tôi tin một ngày nào đó, Chúa sẽ cho Cẩm Tú trở lại bình thường như trước. Đó là ước nguyện của gia đình chúng tôi
No comments:
Post a Comment