Chiến tranh, nơi nào cũng vậy, chính nó tạo nên rất nhiều
sự mất mát hư hao cho con người
Kẻ thì mất chồng, người thì mất cha, cha mẹ thì mất con,
chia ly, đổ vỡ…
Điển hình tôi đã trải qua bao nhiêu tai nạn, mang thương
tật không chính bản thân tôi mà những người thân cũng phải
gánh chịu
Tôi muốn giới thiệu với các bạn bài viết của vợ tôi về phi
vụ, tai nạn cuối cùng, một câu chuyện trở về từ cõi chết của tôi xảy ra vào tháng 11 năm 1973 tại Đà Nẵng (SĐ1KQ)
Tại sao tôi gọi là phi vụ, tai nạn cuối cùng, vì nó khác với
lần tai nạn đầu tiên và những lần kế tiếp, sau tai nạn đó tôi
không còn có cơ hội trở lại bay bổng mà bắt buộc phải từ giã vì
thời cuộc ngày 30 tháng 04 năm 1975…
PHẠM CÔNG KHANH
KHÓA 64 C
Như đò với sông, như nước xuôi ngược vào lòng biển xanh…
Tiếng hát của một nam ca sĩ nào đó, vang lên từ một chiếc radio nhỏ trong phòng, tự nhiên làm lòng tôi lắng đọng những ưu tư lo sợ….phòng này được cấp phát tạm thời trong Cư xá Sĩ quan độc thân, phi trường Đà Nẵng.
Sáng nay anh dậy đi bay như mọi ngày nhưng có vẻ hấp tấp và bồn chồn hơn mọi khi
- Giấy tờ ra vào cổng anh đưa lại cho em để khi nào cần em có thể dùng..
Kỳ cục chưa, tôi nghĩ :
-Em không cần đâu, anh cứ giữ lấy, em đâu có việc gì mà phải đi ra vào cổng để cần đến giấy tờ này.
Anh cằn nhằn
- Thôi anh cứ để tất cả giấy tờ tùy thân của em vào túi áo bay của anh đây ( anh có một bộ áo bay treo trên cái móc áo sau cánh cửa).
Tuy nhìn thấy tôi ngạc nhiên không đồng ý nhưng anh vẫn cứ để tờ giấy phép ra vào cổng và căn cước vào túi áo, hôn chào tôi, đi về phía cửa và nói :
- Anh đi nhé, chờ 5 giờ anh về mình cùng đi ăn cơm tối…
Tôi đóng cửa phòng và thầm nhủ :
Thêm một ngày nữa tôi lại phải ở một mình !
Từ lúc lấy chồng đến nay mới được 2 tháng và đây cũng là lần đầu tiên tôi biết đến Đà Nẵng và cũng mới ở trong phi trường chỉ có 2 tuần, tôi không quen biết ai. Ở đây cái gì cũng xa lạ, cũng mới mẻ…Đà Nẵng, tôi cũng không có được 1 người quen, dẫu có biết đi chăng nữa là do một vài lần chồng tôi dẫn đi loanh quanh trong phi đoàn , một vài lần gìới thiệu với đôi ba người làm sao tôi biết và nhớ được .
Tôi cô độc và chỉ đóng cửa ở trong phòng một mình cho đến khi chồng tôi về.
Tháng 11, mùa này thời tiết ở Đà Nẵng không giống như ở Saigon, mưa phùn và hơi lành lạnh, thỉnh thoảng cũng có một chút nắng, ở nơi này buồn quá và vắng quá khiến tôi nhớ Saigon, nơi đó có ba mẹ và các anh chị em tôi, giờ này chắc mẹ tôi đang sửa soạn bữa cơm chiều cho gia đình, có biết đâu ở nơi này tôi đang lủi thủi một mình và nghĩ vẩn vơ. Buồn quá, tôi lục tìm mấy cuốn sách mà tôi đem theo từ SGN ra đọc, tôi cũng muốn lấy giấy bút ra viết vài chữ về thăm gia đình, rồi làm sao…làm sao mà đi gửi thư…lại phải đợi chồng về mới làm được việc này, tôi khờ dại và nhút nhát quá. Không biết giờ này anh đang ở đâu ? đi bay chắc là vui lắm…anh thường nói với tôi cuộc đời bay bổng rất thú vị nhưng cũng rất nguy hiểm…thời gian chờ đợi sao mà nó lâu quá, chờ mãi, chờ mãi mà sao vẫn chưa đến 5 giờ. Bỏ sách xuống, tôi không thèm đọc nữa, chữ nghĩa gì mà nó cứ nhẩy lung tung, tôi chẳng hiểu gì cả, nghĩ vẩn vơ như thế này chữ nào mà nó vào đầu được, nghĩ như thế tôi đứng lên bắt đầu dọn dẹp phòng, xếp lại các thứ vất nghênh ngang cho gọn ghẽ…
1 giờ…rồi 2 giờ, trời ơi mãi mà chưa đến 5 giờ, còn mấy tiếng đồng hồ nữa, nhìn quanh phòng cái gì cũng tươm tất sạch sẽ, tôi nghĩ đến chuyện đọc kinh cầu nguyện, từ lúc theo chồng đến xứ này ngoài 2 lần Chủ nhật anh đưa tôi đi lễ ở nhà thờ trong phi trường, tôi chưa lần nào cầm tràng hạt để đọc kinh, hôm nay nghĩ đến, tôi muốn đọc kinh cầu xin sức khoẻ và an bình cho ba mẹ và gia đình tôi, cho anh và cho tôi.
Tôi bắt đầu nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ anh chi em, nhớ Saigon và nhớ cả căn phòng ngày xưa của tôi.
Nơi đây, chung quanh tôi thật im lặng, không có tiếng động, len lén mở cửa nhìn ra ngoài không có một bóng người. Chắc hẳn không khí bên ngoài dễ chịu lắm ? một bước, rồi hai bước…tôi đi ra khỏi phòng. Đó là một cái hành lang, phòng tôi ở cuối hành lang nhìn ra đường, qua hàng rào sắt, con đường tuy vắng nhưng thỉnh thoảng cũng có vài chiếc xe chạy qua, rồi lại yên tĩnh nhưng rất đẹp.
Đang say mê ngắm cảnh, chợt tiếng còi xe cứu thương đâu đây làm tôi giật bắn mình. Định thần lại, tôi tìm hướng đi của chiếc xe, tiếng còi hụ càng lúc càng lớn vụt chạy ngang…bất ngờ tôi nghĩ ngay đến một ai đó nằm trong xe, do một tai nạn gì đó…
Trở lại vào phòng, không biết làm gì hơn là đọc một vài lời nguyện cầu cho họ.
Đó là lúc 3 giờ. Đến 5 giờ chiều chồng tôi vẫn chưa về, có một vài tiếng gõ cửa sau phòng làm tôi cứ tưởng anh về nhưng không phài.
Đến 6 giờ có tiếng gõ cửa, tôi mừng quá ra mở cửa cho anh, có lẽ hôm nay anh về muộn, nhưng không phải. Trước mặt tôi là một anh bạn của chồng tôi - anh Dũng, Phi đoàn 219 cùng biệt phái với chồng tôi ra PĐ233/SĐ1KQ .
Tôi đã biết anh từ trước nên cũng đỡ bỡ ngỡ, ban đầu anh cho tôi biết chồng tôi có việc phải đi xa chưa về kịp, anh đến đưa tôi đi ăn cơm tối. Tôi hết hồn, sao mà trùng hợp quá. Sáng nay trước khi ra đi, chồng tôi có nói với tôi một câu mà bây giờ mới nhớ ra : Nếu khi nào anh đi bay về không kịp thì anh Dũng sẽ đến đưa em đi ăn cơm.
Tôi nói với anh Dũng là tôi sẽ chờ khi nào chồng tôi về tôi sẽ đi.
- Anh Khanh ra sao rồi ? anh Dũng nói thật đi.
Anh ấy cứ nói loanh quanh và như né tránh các câu hỏi của tôi, cho nên anh bảo tôi chờ ở phòng anh đi một lúc sẽ trở lại.
Anh Dũng vừa ra khỏi phòng, tôi chạy vội úp mặt xuống giường và khóc nức nở. Chuyện gì đã xẩy ra cho chồng tôi ? Chồng tôi đã đi đâu sao không cho tôi biết, sao chồng tôi không nói cho tôi nghe hồi sáng ? Không có ai ở gần tôi lúc này, tôi biết làm sao đây !!!
15 phút sau có tiếng gõ cửa, tôi lau vội nước mắt, mở cửa. Anh Dũng lại đến, với 2 chiếc bánh chưng, anh bảo tôi :
- TL. ăn đi rồi anh đưa đi thăm anh Khanh,
Tôi hỏi :
-Thăm ở đâu ? anh Khanh bị làm sao mà phải đi thăm ?
- Khanh ở trên bệnh xá - anh Dũng nói :
- Anh Khanh có bị đau gì đâu, anh ấy khoẻ lắm mà, sao lại ở bệnh xá ? mình đi ngay bây giờ được không anh ? Em không đói đâu, mình đi đi anh.
Anh Dũng nói với tôi :
- Ăn cho no đi rồi anh đưa đi, chuẩn bị cho anh một vài thứ cần thiết…nhớ cầm theo giấy ra vào cổng nữa.
Lại trùng hợp, lại giấy phép ra vào cổng, sáng nay cũng tại cái giấy phép này mà nên chuyện. Tôi hỏi :
- Tại sao anh Khanh nằm ở bệnh xá mà phải cần giấy ra vào cổng hả anh ?
Anh bảo ;
- Cứ đem theo nhỡ cần
Tôi vẫn cứ thắc mắc nhưng cứ tạm cho là anh Dũng nói đúng, không sao.
Tôi không ăn uống gì cả, chuẩn bị một cái túi quần áo ngủ, vật dụng vệ sinh cá nhân như kem đánh răng, bàn chải đánh răng, khăn lau mặt…
- Đem thêm một cái mền nữa.
- Bệnh xá mà không có mền hả anh ? - Tôi hỏi :
Anh nói :
-Thì cứ đem theo nhỡ cần…
Anh chở tôi bằng xe Honda dame, đi mãi mà tôi chẳng thấy bệnh xá đâu ! Một lúc sau tới cổng phi trường - Tôi hỏi :
- Anh đi đâu mà ra khỏi cổng phi trường, không phải anh Khanh ở bệnh xá hả anh ?
Anh ậm ừ nói :
- Khanh ở Tổng y viện Duy Tân, gần tới rồi.
Tôi hết hồn và nước mắt lại bắt đầu chảy, tôi len lén lau nước mắt và tự nhủ phải can đảm vì sự thật vẫn là sự thật, tôi không trách anh Dũng sao không cho tôi biết sớm, tôi biết anh sợ tôi lo lắng vì thật sự ở ĐNG này chính tôi và chồng tôi đều không có họ hàng thân nhân. Hoàn cảnh này cũng khó cho anh lắm.
*
***
- Bác ơi, ông Đại uý pilot hồi chiều đưa vào đây lúc 3 giờ nằm ở đâu ?
Anh Dũng hỏi ông gác trực bệnh viện.
- Trong nhà xác đằng kia .
Câu trả lời ngắn gọn của người gác cổng làm tôi bàng hoàng rụng rời tay chân. Nước mắt tôi chực trào ra. Tôi cắn chặt môi để cảm giác được đây là sự thật không phải đang mơ. Tôi nuốt vội những giọt nước mắt lại để đè nén những đau khổ của riêng tôi, hóa ra chiếc xe cứu thương mà hồi chiều khi đứng ở cửa phòng tôi nhìn thấy được chính là chiếc xe đã mang xác chồng tôi đến đây, người mà tôi cầu nguyện cho hồi chiều cũng chính là chồng tôi.
Chúa ơi, con không muốn là quả phụ, con không phải là quả phụ - Tôi thốt lên khe khẽ .
Giờ này có phải tôi thật sự đang cầu xin cho chính mình không ? Tôi cảm thấy người tôi lảo đảo, đứng không vững, vội ôm chặt cánh tay anh Dũng, lấy lại bình tĩnh và tự nhủ không được khóc, hãy can đảm…
*
***
Tôi đã can đảm, tôi đã không khóc và tôi đã không là quả phụ, vì chồng tôi đã được cứu sống từ nhà xác.
Tôi đã nhận lại được những vật dụng cá nhân của chồng tôi như: đồng hồ, quần áo, ví, nhẫn cưới từ phòng tư trang của bệnh viện vì họ tưởng chồng tôi đã chết .
Lúc này tôi thật sự thông cảm với những người phụ nữ Việt Nam có chồng nhà binh trong tình huống giống như tôi, tôi cũng thật sự chia buồn cùng với các chị em đã mất mát những người thân trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.
Tôi hiểu được những sự đau khổ đó.
*
***
Hôm nay tôi viết những giòng chữ này để chia xẻ với quí bạn câu chuyện xẩy ra ngày thứ tư 28 tháng 11 năm 1973, đến nay đúng 33 năm mà tôi chưa một lần nào viết lên bằng giấy mực.
Cám ơn Thượng Đế đã ban cho con sức mạnh để con đứng vững mà không gục ngã, Ngài đã cứu sống chồng con.
Tôi cũng không quên cám ơn anh Dũng đã giúp đỡ tôi trong lúc chồng tôi hoạn nạn, cám ơn anh Tống Viết Kháng - là một người anh mà tôi quen biết từ nhỏ, vô tình đã gặp lại trong thời gian đó - anh cũng đã một vài lần đưa đón tôi từ cư xá Sĩ quan đến Bệnh viện và ngược lại, và một người nữa, người phụ rể trong đám cưới của chúng tôi 2 tháng trước đó, và cũng là người cùng khoá với chồng tôi, anh Phạm Quốc Tự đã kịp thời thông báo tới thân nhân gia đình anh Khanh khi vừa được nghe tin Khanh bị tai nạn, thành thật cám ơn anh.
Cuối cùng tôi cũng thành thật cám ơn những người bạn thân thương của chồng tôi đã chia buồn, chia vui cùng tôi trong thời gian ấy mà tôi chưa có dịp đáp trả.
*
***
Đây là câu chuyện xẩy ra mà người vợ yêu thương của tôi đã chịu đựng, đã vất vả, đã can đảm để tôi được cứu sống...
Sau một thời gian nằm tại Tổng y viện Duy Tân Đà Nẵng, tôi được chuyển về Tổng y viện Cộng Hòa Saigon để tiếp tục điều trị. Nơi đây tôi được gia đình bên vợ săn sóc rất chu đáo.
Vì thương tật quá nặng nên thời gian điều trị rất dài cho tới ngày 30-4, khi miền Nam hoàn toàn rơi vào tay Cộng sản, tôi và các anh em thương bệnh binh khác không còn được tiếp tục ở lại bệnh viện và ai về nhà nấy theo lời yêu cầu của những kẻ mới tới. Tôi trở về sống với gia đình được ít lâu thì có lệnh phải đi trình diện “học tập cải tạo”. Trong thời gian này có những lúc tôi thấy tuyệt vọng, không biết bao giờ mới được xum họp với gia đình…hoặc phải bỏ mạng tại đây chăng ? Nhưng không được, tôi phải sống, phải trở về với gia đình, nơi đó có người vợ yêu thương của tôi đang mòn mỏi chờ đợi, chăn sóc lo lắng đủ điều cho tôi từ ngày bị rớt máy bay đến nay, chưa được hưởng một giây phút sung sướng…vợ tôi lại cứu tôi thêm một lần nữa từ cõi chết, tôi phải cố gắng sống, bảo tồn tính mạng mà vợ tôi đã hy sinh để lo cho tôi.
Sau 7 năm rưỡi trong nhà tù gọi là “học tập cải tạo” tôi đã trở về đoàn tụ với gia đình.
Trải qua bao gian khổ, gian truân, chịu đựng cố gắng… tôi cảm nhận được vợ tôi bây giờ không còn nhút nhát, sợ sệt…như ngày xưa nữa, bây giờ TL rất hoạt bát, lanh lợi, tháo vát và nhất là lúc nào cũng dễ thương.
Melbourne, Úc Châu
Phạm Công Khanh
Lan thuong quy . Bai viet ngan qua chua du nhung mac du da biet truoc noi dung nhung van xuc dong tam trang cua nguoi Tinh Nguoi vo cua Pilot deu giong nhsu . luc nao tam trang cu nhu la se co mot noi dau nao do se den voi minh . khong som thi muon . Roi cung se xay ra . Xay ra thoi va da xay ra that . Doi voi xh cu nhu chuyen vua moi hom qua . da la DINH MENH Thi cach nao tranh duoc . Hay noi chinh xac la Chua da dinh . Biet lam sao hon T Lan may man da co mot DOAN KET CUA MOT CUOC TINH rat binh yen . Chuyen ma hang van nhung nguoi vo cua may ong lynh Khong Quan ao uoc . cung nhu Vu Duc Thang Pham Cong Khanh co mot trai tim rat lanh . Nhung vu Duc Thang lai khong duoc may man . Thoi thi ghi lai mot chut de nho TLan nho Pham Cong Khanh Nho nhung ngay thang that vo tu voi cuoc doi noi tru cung voi may Ba Soeur truong dong . Xh gui loi tham A. khanh . anh Hieu. Anh Phuoc . anh Trong anh Le Quy An neu gap Lan nhe Co ve VN gap XH o Phong tra Tieng Xua Lan nhe www.phongtratiengxua.com xuanhoa
ReplyDelete